Những chuyện mới nhất về Sepp Blatter

Những chuyện mới nhất về Sepp Blatter

Đầu tiên là chuyện Blatter… bán vé World Cup! Nếu bạn có thể bỏ ra 1.500 USD để lấy một chỗ VIP cùng những tiện nghi kèm theo trong trận ra quân của đội tuyển Anh tại World Cup 2010, cứ “alô” cho công ty của Blatter, sẽ được người ta hân hạnh phục vụ. Nghe cứ như đùa, nhưng đấy là chuyện nghiêm túc. Dù đây thật ra chỉ là Philippe Blatter, cháu ruột của vị Chủ tịch FIFA chứ không phải chính ngài Sepp Blatter đi bán vé World Cup, vẫn khó thoát khỏi những màn đàm tiếu.

Philippe Blatter là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Công ty Infront Sports & Media. Công ty này góp vốn vào một tập đoàn to hơn, Match Hospitality. Tập đoàn này đã trúng thầu bán trọn gói vé World Cup, cho cả Nam Phi 2010 lẫn Brazil 2014. Ngoài ra, công ty của “Blatter cháu” còn có bản quyền truyền hình World Cup, cho cả hai VCK sắp tới. Dĩ nhiên, ai cũng có quyền hoài nghi: nếu chẳng phải là cháu ruột của Chủ tịch FIFA, đâu có dễ gì trúng những gói thầu hấp dẫn như vậy. Nếu tự đi du lịch đến nước đăng cai VCK World Cup, mua lại một vé từ bất kỳ ai đó ở cổng sân, có thể bạn sẽ kết thúc hành trình ở đồn cảnh sát vì tội mua vé chợ đen, tội tiêu thụ hàng gian, đại khái như vậy. Nhưng nếu mua lại vé của Công ty Infront do cháu Blatter làm Chủ tịch thì “quá OK”. Dĩ nhiên, của ấy không thể mua rẻ. Thậm chí, bạn còn phải mua trọn gói, từ tour du lịch đến phòng khách sạn…

Blatter tham dự một đại hội của UEFA ở Tel Aviv.

Blatter tham dự một đại hội của UEFA ở Tel Aviv.

Infront không phải là cổ đông lớn nhất trong Tập đoàn Match Hospitality. Phần lớn nhất thuộc về anh em Jaime và Enrique Byrom, chủ công ty Byrom plc đặt tại Manchester. Anh em nhà này có mối liên hệ mật thiết với “sư phụ” của Sepp Blatter là Joao Havelange. Họ đã trở thành “trùm vé World Cup” từ năm 1986, đã mang nhiều tai tiếng “chặt chém” từ thời World Cup 2002 rồi. Hóa ra, lĩnh vực nào cũng đều có mafia, và chẳng phải ngẫu nhiên mà Havelange phải bằng mọi giá đẩy cho được Blatter vào ghế Chủ tịch FIFA mà ông ta bỏ lại hồi năm 1998. Nhờ nắm được nguồn vé, người của Blatter và Havelange còn có thể chi phối cả các hãng hàng không, các công ty du lịch, mỗi khi đến mùa World Cup.

“Sepp Blatter không bao giờ biết fair-play là gì” - đấy là nguyên văn bình luận của cựu Chủ tịch UEFA Lennart Johansson. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên tờ báo Đan Mạch Tipsbladet cách đây vài ngày, Johansson đã tiết lộ “những trò chính trị bẩn thỉu” của Chủ tịch FIFA đương nhiệm.
Thật ra, Johansson thất bại vì quá ngây thơ, nên đành chịu. Johansson kể: Blatter thuyết phục đến mức nài nỉ, để ông quyết định tranh cử Chủ tịch UEFA lần nữa vào năm 2007.

Blatter cam đoan là sẽ ủng hộ để Johansson chiến thắng, vì những sự tốt đẹp cho cả FIFA lẫn UEFA. Bùi tai, Johansson đồng ý. Bạn thân của Johansson là ứng cử viên số 1 ở thời điểm ấy, Franz Beckenbauer, do vậy đã không tham gia cuộc đua. Ngay sau khi Beckenbauer rút lui, Blatter lập tức “phản kèo”, quay sang ủng hộ Michel Platini và nhân vật này trở thành Chủ tịch UEFA. Không cần nhắc lại, Platini là cánh tay mặt của Blatter ở FIFA. Khi Johansson hỏi thẳng Blatter, vì sao đã ủng hộ Platini nhưng lại “dụ” ông tham gia cuộc đua, Blatter chỉ nhún vai cười khẩy: “Đời là vậy mà!”.

Johansson nhắc lại: đã có không biết bao nhiêu cáo buộc về nạn hối lộ và lạm dụng quyền lực trong hàng ngũ FIFA kể từ khi Blatter giữ ghế Chủ tịch. Có không ít vụ lộ liễu đến nỗi FIFA đành ra tay “thanh lý môn hộ”. Nhưng rồi, cựu Chủ tịch UEFA tỏ ra chua chát: “Tất cả đều cần bằng chứng. Người trong cuộc ai cũng thấy rõ Blatter hoành hành như thế nào, nhưng không có đủ bằng chứng. Muốn chiến đấu với quyền lực đen trong hàng ngũ FIFA, người ta phải rất kiên nhẫn. Cuối cùng, tất cả đều mệt mỏi và phải đầu hàng”.

Blatter hiện đã 74 tuổi, nhưng ông ta vẫn sẽ tranh cử Chủ tịch FIFA lần nữa vào năm 2011. Khi ấy, gần như chắc chắn ứng cử viên duy nhất Blatter sẽ lại chiến thắng để lèo lái FIFA ít nhất một nhiệm kỳ nữa, ở tuổi 75.

KINH KHA

Tin cùng chuyên mục