Về mặt kỹ thuật, thì không có vấn đề gì. Ví dụ như HLV bị kỷ luật hay nhận thẻ đỏ, thì đương nhiên không được phép chỉ đạo ở các trận đấu một thời gian. Cũng có trường hợp xuất phát từ chuyên “kiêng kị” từng xảy ra ở V-League khi HLV cảm thấy mình quá xui xẻo nên không trực tiếp chỉ đạo một trận đấu nào đó để giúp cho đội … giải hạn. Không biết HLV Gong Oh-kyun thuộc về trường hợp nào, bị CLB kỷ luật nội bộ hay đơn giản chỉ là biện pháp tâm linh.
Vì có một thực tế là cựu HLV đội U23 Việt Nam cầm quân tổng cộng 5 trận, thì chỉ thắng đúng 1 trận ở Cúp quốc gia ngay khi chưa kịp tập luyện buổi nào cùng đội bóng mới. 4 trận ở V-League dưới quyền chỉ đạo của ông, CAHN thua 2 và hòa 2. Tệ nhất là thất bại 1-2 trước Khánh Hòa, đội bóng cũng vừa mới có xáo trộn trên ghế HLV. Nhìn vào kết quả thi đấu thì nếu CAHN có sa thải nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng là điều bình thường vì màn trình diễn của CAHN dưới thời của ông rất thiếu thuyết phục. Vậy nên mới không hiểu “treo quyền chỉ đạo” có nghĩa là gì?
Vì ông Gong chỉ bị “treo ghế” nên đội CAHN chưa có HLV mới, có thể giám đốc điều hành Trần Tiến Đại, người thường được biết đến với biệt danh “cò” Đại sẽ là người trực tiếp chỉ đạo thi đấu. Mùa trước, khi chỉ còn một trận đấu nữa là kết thúc giải, CAHN cũng từng thay đổi nhân sự khi sa thải HLV Cruz để ông Trần Tiến Đại làm trận cuối cùng. Điều thú vị ở chỗ, ông Đại lại không được phép chỉ đạo ở trận đấu đó vì… bị kỷ luật. Vậy mà cuối cùng thì CAHN lại vô địch V-League và sau đó ông Đại cầm quân cho đến khi trao ghế lại cho HLV Gong Oh-kyun mùa giải này.
Chuyện thay HLV là điều bình thường ở bóng đá chuyên nghiệp, nhưng ở V-League, chuyện này là “đặc sản” với nhiều biến tấu thú vị khi chiếc ghế thuyền trưởng của đội bóng tưởng là khó khăn, quan trọng, được chuyên môn hóa cao nhất thì gần như… ai làm cũng được.
Như hồi ACB Hà Nội từng nhiều lần bầu Kiên từ khán đài xuống sân cầm sa bàn chỉ đạo chiến thuật thay HLV trưởng ngay giữa 2 hiệp đấu. Hoặc như ở Sài Gòn FC, chủ tịch CLB khi đó là ông Vũ Tiến Thành sa thải HLV xong rồi ra sân trực tiếp chỉ đạo. Mới nhất, khi vừa rời CLB TP.HCM để lên Pleiku đảm nhiệm vị trí giám đốc Học viện HA.GL thì bất ngờ ông Vũ Tiến Thành kiêm nhiệm vị trí giám đốc kỹ thuật, nhiều khả năng lại tiếp tục cầm quân. Đã có những giám đốc điều hành tự mình cầm quân thay vì trao quyền cho HLV phó hay trợ lý, như trường hợp của “cò” Đại. Phổ biến nhất là các giám đốc kỹ thuật có quyền hạn với cầu thủ còn lớn hơn cả HLV trưởng.
Việc có những “chiếc ghế đa năng” như vậy ban đầu có thể là tình cờ, bất đắc dĩ hòng giúp CLB trong lúc khó khăn. Nhưng nếu cứ xảy ra liên tục, thì lại là biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam. Nếu như tại Anh, người ta không gọi HLV là “Coach” mà là “Manager” để cho thấy tầm quan trọng của vị trí này, thì ở Việt Nam, hoàn toàn ngược lại. Nói cho cùng, trong một CLB dù nhỏ hay lớn thì mỗi chức danh đều có các vai trò và công việc cụ thể. Một khi xuất hiện các “chiếc ghế đa năng” thì rõ ràng là CLB ấy có quá ít việc để làm nên chức danh quản lý chỉ cho chiếu lệ, nên khi cần lại sẳn sàng kiêm nhiệm …