Nhân sự của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao: Bài toán tranh cãi muôn thuở

Tới đây, rất nhiều Liên đoàn, Hiệp hội của các môn thể thao tại Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đại biểu nhiệm kỳ nhằm tìm chọn những người phù hợp vào ban chấp hành và vị trí quản lý để chèo lái con thuyền tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao ở môn đó được thuận buồm, xuôi gió và vươn lên mạnh mẽ nhất. Tuy thế, không phải việc chọn nhân sự là dễ dàng.

Liên đoàn bắn súng Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi nhân sự so với khóa 6 trước đây. Ảnh: M.C
Liên đoàn bắn súng Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi nhân sự so với khóa 6 trước đây. Ảnh: M.C

Liên đoàn bắn súng Việt Nam chuẩn bị Đại hội Liên đoàn nhiệm kỳ 7. Thông tin mới nhất, gần như chắc chắn Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký – bà Nguyễn Thị Nhung của nhiệm kỳ 6 sẽ không tái ứng cử để tham gia hoạt động ở nhiệm kỳ mới. Ngoài ra, ủy viên ban chấp hành khóa 6 là HLV Hoàng Xuân Vinh cũng không tham gia công việc ở khóa 7. Chủ tịch đương nhiệm của khóa 6 tại Liên đoàn này là doanh nhân Đỗ Văn Bình và trong khóa 6, số thành viên ban chấp hành là 36 người.

Qua tìm hiểu, số thành viên ban chấp hành mà Liên đoàn bắn súng Việt Nam đưa ra bầu trong nhiệm kỳ 7 tới đây sẽ vượt hơn con số 36 thành viên như nhiệm kỳ cũ. Đồng thời, đã có điều tiếng về sự “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” ở các vị trí quản lý Liên đoàn dẫn tới một số cá nhân rút lui không tham gia trong nhiệm kỳ mới. Khi chưa Đại hội  và chưa bầu cử thì nhân sự mới chưa chốt nhưng về cơ bản, trước mỗi lần tổ chức thì Liên đoàn luôn có sự hiệp thương nhân sự để làm sao phải hài hòa giữa người làm chuyên môn thật sự với người tham gia ở công tác xã hội hóa. Lúc này, ứng viên cho vị trí Chủ tịch của Liên đoàn bắn súng Việt Nam khóa 7 chưa có nhiều hơn 1 người.

Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam thời gian qua cũng xảy ra những tranh cãi ở công tác nhân sự mà mấu chốt ở đây vẫn là phải tìm được ứng viên Chủ tịch để bầu giữ vai trò cao nhất sau khi cố Chủ tịch – ông Hoàng Vĩnh Giang qua đời. Một trong những ứng viên được đề xuất có thể tham gia ứng cử bầu vào vị trí Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam là võ sư Nguyễn Ngọc Anh (Vụ trưởng Vụ thể thao quần chúng – Tổng cục TDTT) tuy vậy có ý kiến đồng tình, có ý kiến không chấp thuận. Vào cuối tuần này, dự kiến lãnh đạo Tổng cục TDTT sẽ làm việc với thành viên Liên đoàn võ cổ truyền Việt  Nam về các công tác nhân sự để kiện toàn bộ máy quản lý.

Ở một sự chuẩn bị khác, Liên đoàn quyền Anh (boxing) Việt Nam vẫn chưa thể tổ chức Đại hội nhiệm kỳ khóa 2 dù khóa 1 (2015-2019) đã quá hạn gần 3 năm. Chủ tịch đương nhiệm của Liên đoàn boxing Việt Nam là ông Trần Minh Tiến và tổng thư ký là ông Vũ Đức Thịnh (phụ trách bộ môn boxing – Tổng cục TDTT). Có nhiều lý do để lý giải về sự chậm tổ chức Đại hội nhiệm kỳ mới của Liên đoàn boxing Việt Nam và một trong những chia sẻ được thành viên Liên đoàn cho biết đó là chưa tìm được các nhân sự phù hợp làm ứng viên bầu giữ vị trí cao nhất tại khóa 2. Chính thế, tất cả vẫn phải chờ.

Thể thao Việt Nam sẽ còn nhiều Liên đoàn, Hiệp hội thể thao chuẩn bị ra mắt ở năm nay như Liên đoàn bắn cung, Liên đoàn muay, Liên đoàn karate, Liên đoàn kick boxing, Liên đoàn đấu kiếm, Liên đoàn 3 môn thể thao phối hợp, hay một số môn đang dự định ra đời tổ chức xã hội nghề nghiệp là Liên đoàn thể thao cho mình gồm pencak silat, wushu. Tuy nhiên, công tác nhân sự vẫn được đặt lên hàng đầu bởi nhà quản lý luôn muốn rạch ròi phân định giữa nhân sự về chuyên môn và nhân sự đại diện các ngành nghề xã hội hóa tham gia Liên đoàn.

Câu hỏi luôn được đưa ra là “vào Liên đoàn, Hiệp hội để làm gì?”. Ngành thể thao chờ đợi các Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao hoạt động hiệu quả là cánh tay nối dài của mình để giảm bớt các khâu trong quản lý, kêu gọi nguồn xã hội hóa nhưng chưa nhiều Liên đoàn, Hiệp hội thể thao làm được.

Tin cùng chuyên mục