
1- Bằng chiến thắng 2-1 trước Chelsea trong trận đối đầu tại vòng 1/8, Mourinho đã xóa được cái “dớp” toàn thua các đội bóng lớn tại Champions League (nếu chỉ tính riêng những trận đối đầu với các đội bóng đến từ đảo quốc sương mù thì Inter chưa từng giành thắng lợi kể từ năm 2003 đến nay, thậm chí không ghi được bàn thắng nào), mặc dù trận thắng với tỷ số tối thiểu này không đảm bảo cho Inter một chiếc vé vào vòng sau. Xét về tỷ số, chính Chelsea của Ancelotti mới là đội nắm lợi thế ở trận lượt về - tuy mỏng manh nhưng vẫn là một lợi thế khi ghi được một bàn thắng trên sân khách. Điều đó cắt nghĩa tại sao sau khi Inter đã đánh bại Chelsea trên sân nhà, các sòng đổ bác lớn vẫn xếp Inter Milan chỉ là ứng cử viên thứ 5 cho chức vô địch Champions League mùa này, xếp sau những Barcelona, Chelsea, Real Madrid và Manchester United.
2- Kết quả chung cuộc của cặp đấu Inter - Chelsea như thế nào chưa ai biết và con đường hoạn lộ của thầy trò Mourinho sẽ kéo dài đến đâu cũng không ai đoán định được, nhưng ít ra qua trận thắng trước Chelsea tối thứ ba vừa qua, Inter đã cho thấy những pha đột kích dựa trên cơ sở phản công vẫn là ngón đòn lợi hại trong bóng đá hiện đại.
Bây giờ, các nhà chiến thuật không quan trọng hóa thời lượng kiểm soát bóng trong một trận đấu nữa, và một tín đồ của chủ nghĩa thành tích như Mourinho luôn luôn là đại biểu xuất sắc cho lối tư duy thực dụng này. Từ Porto đến Chelsea và bây giờ là Inter Milan, Mourinho vẫn trung thành với quan niệm của mình: chiến thắng chính là vẻ đẹp đích thực của bóng đá.
Trước khi đặt chân lên đất Ý, Mourinho đã có hai chiếc cúp vô địch Prermier League với Chelsea qua đó giúp đội bóng thành Luân Đôn chiếm một phương vị trong nhóm “tứ đại gia” ở nước Anh, nhưng ngay cả trong giai đoạn “hoành tráng” đó, Mourinho vẫn không để cho mình bị cuốn theo lối bóng đá lãng mạn. Chelsea của Mourinho vẫn trung thành với việc giải quyết trận đấu theo từng địa điểm và thời điểm được chọn lựa sẵn.
Trừ những trận đối đầu với các đội bóng quá yếu, còn hầu hết các trường hợp Mourinho không bao giờ cho quân tràn lên một cách thiếu tính toán. Ông thích chọn những thời điểm nhất định (thường Mourinho ưa thích các đòn đánh phủ đầu kéo dài trong vòng15 phút hiệp một: trận Inter - Chelsea, Inter ghi bàn ở ngay phút thứ 3 là một ví dụ), và chọn những khu vực nhất định trên sân để tung ra những cú đánh quyết định.
Dĩ nhiên để làm được như vậy, các đội hình của Mourinho thường có những cầu thủ phòng ngự thượng thặng (như Carvalho ở Porto, Terry ở Chelsea hay Lucio ở Inter) và trên hàng tấn công luôn có những chuyên gia đột kích của lối đá phản công (như Drogba ở Chelsea hay Ibrahimovich (trước đây) và Milito (hiện nay) ở Inter).
3- Cách Mourinho chọn lựa phương thức giải quyết một trận đấu, ở khía cạnh nào đó, có ý nghĩa như chúng ta chọn lựa một nguyên tắc sống, thậm chí một thái độ sống. Ở đó có sự xác tín cao độ. Để củng cố cho nguyên tắc của mình, Mourinho hẳn rất ghét nhìn vào các bảng thống kê. Nhìn vào các thông số của trận đấu Inter - Chelsea vừa rồi, ai cũng thấy Inter đã thua sút Chelsea trên hầu hết mọi phương diện. Sút bóng: Inter 6 lần - Chelsea 16 lần. Sút trúng đích: Inter 3 - Chelsea 8. Kiểm soát bóng: Inter 44% - Chelsea 56%. Phạt góc: Inter 0, Chelsea 3, v.v...

Inter Milan (áo xanh) – Chelsea 1 - 0.
Nếu Mourinho có liếc mắt vào những con số đó, hẳn ông sẽ cười khảy: “Vớ vẩn! Kết quả một trận bóng đá không tùy thuộc vào các con số lấp lánh đó!”. Với con người thực tế như ông, mỗi bên sút bóng vào lưới đối phương bao nhiêu quả mới là con số có ý nghĩa. Còn lại, là những con số vô bổ, chẳng được tích sự gì ngoài việc làm đẹp cho bảng thống kê.
Và dĩ nhiên là Mourinho xoa tay hài lòng: Ở trận đấu mà mọi ưu thế đều nghiêng về Chelsea đó, học trò của HLV Ancelotti chỉ sút vào lưới Inter được một lần, trong khi đệ tử của HLV Mourinho sút tung lưới Chelsea tới những hai lần. Inter 2 - Chelsea 1, Mourinho chỉ cần có thế để sung sướng suốt một tuần và nổ vung vít suốt hai tuần (tức là cho đến khi gặp lại Chelsea ở trận lượt về, và nếu vượt qua được Chelsea tại sân Stamford Bridge quen thuộc thì quãng thời gian “sung sướng” và “vung vít” này còn kéo dài hơn nữa).
4- Rất có thể Inter của Mourinho sẽ loại được Chelsea của Ancelotti. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra, bởi trong bóng đá không có điều gì là không thể. Nhưng cho dù có vượt qua Chelsea, và sau đó tiếp tục vượt qua các đại kình địch khác để lên ngôi vô địch Champions League, chắc chắn quan niệm bóng đá của Mourinho vẫn không thay đổi. Ông từng lên ngôi ở giải đấu này với “lối chơi xấu xí” của đội Porto đó thôi.
Và nếu một lần nữa đăng quang vô địch với “lối chơi xấu xí” đó thì hiển nhiên nó không còn là xấu xí nữa. Ông chẳng nói “chiến thắng là vẻ đẹp của bóng đá là gì”. Đã một thời, ông bầu Abramovich của Chelsea - kẻ ưa thích bóng đá đẹp - bấm bụng chiều theo quan điểm “chiến thắng đồng nghĩa với cái đẹp” của Mourinho để kiên nhẫn chờ đợi vị huấn luyện viên này đưa Chelsea lên ngôi cao nhất ở châu Âu.
Nhưng đã bao lần Abramovich phải hụt hẫng khi thầy trò Mourinho dừng bước quá sớm. “Cứu cánh biện minh cho phương tiện, OK!”, Abramovich sẵn sàng chấp nhận. Nhưng khi “cứu cánh” đã không đạt được, mà “phương tiện” của Mourinho thì suốt đời chỉ dựa trên lối đá phản công – việc Mourinho phải ra đi khỏi sân Stamford Bridge là điều không tránh khỏi.
5- Lần này cũng thế: đã lâu lắm rồi Inter Milan chưa mô tả được hương vị chiến thắng ở Champions League có mùi vị gì. HLV Mancini buộc phải rời Inter vì thế, dù Inter của ông “vô đối” ở giải Ý nhiều năm liền. Mourinho được vời đến chính là để giải “cơn khát châu Âu” cho ông bầu Moratti. Với một con bạc khát nước như Moratti, chắc chắn chỉ có chiến thắng ở Champions League mới là điều quan trọng nhất.
Và dĩ nhiên với Moratti lúc này, “mọi chiến thắng đều đẹp”. Tự nhiên, Mourinho gặp ngay tri âm tri kỷ. Chỉ có điều không biết ông có tận dụng được hoàn cảnh thuận lợi của mình để chứng minh thứ bóng đá thực dụng mà ông sùng bái sẽ là số một châu Âu cho tỷ phú Abramovich tiếc đứt ruột chơi hay không!
CHU ĐÌNH NGẠN