Nếu ai vào xem trận đấu muộn, từ khoảng phút 15 trở đi, có lẽ sẽ không biết đội nào đang trên sân đang đứng hạng 17 FIFA và đội kia gần cuối Top 100. Những con số thống kê thực sự cân bằng từ tỷ lệ kiểm soát bóng đến số đường chuyền và sút cầu môn. Thậm chí, trong 30 phút đầu, Nhật Bản còn phạm lỗi nhiều hơn, sút cầu môn trính đích ít hơn và chỉ có 1 pha đá phạt góc so với 2 của Việt Nam. Nếu có con số mà Nhật Bản làm tốt hơn, thì đó là tỷ lệ đường chuyền thành công của họ cao hơn (87% so với 79% của Việt Nam).
Thống kê của trang chủ của AFC cho biết, Việt Nam đã thực hiện 533 đường chuyền trong trận đấu. Như vậy, thầy trò HLV Troussier đã chuyền bóng nhiều hơn một loạt các đội tuyển ở Asian Cup 2023 như UAE (519), Qatar (487), Tajikistan (427), Trung Quốc (396) và Palestine (351). Cần phải nhắc rằng con số 533 đường chuyền của chúng ta thực hiện khi đối mặt với Nhật Bản, ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch Asian Cup 2023 và là đội bóng lấy kiểm soát bóng làm nền tảng thành công (riêng trận này Samurai xanh thực hiện tới 741 đường chuyền).
Có lẽ cũng phải sòng phẳng một chút. Đây không phải là trận đấu mà Nhật Bản tung hết sức. Cái cách họ gỡ hòa rồi vượt lên ngay trong hiệp một cho thấy họ vẫn là “ông chủ của trận đấu”. Nếu chỉ cần tăng tốc là đưa trận đầu về lại tầm tay, thì sang hiệp hai, người Nhật chỉ cần đá chậm, cẩn trọng hơn, thì cơ hội của Việt Nam gần như không xuất hiện nữa. Đây là vấn đề của đẳng cấp, điều mà một đội bóng ở tầm thế giới như Nhật Bản có sẳn, còn Việt Nam đang trong cuộc hành trình tìm kiếm.
Nhưng rõ ràng đây không phải là trận đấu mà Việt Nam hướng đến một cú sốc trước Nhật Bản, mà là một ‘bài kiểm tra” năng lực của chính mình. Và ở đó, chúng ta có một Troussier rất quen và một đội tuyển Việt Nam rất lạ.
Ông Troussier cho thấy giống như hơn 20 năm trước khi bắt đầu xây dựng đội tuyển Nhật Bản. Ông chịu sức ép từ sự kỳ vọng của công chúng và áp lực riêng từ danh tiếng của mình, nhưng ông không thỏa hiệp bất kỳ điều gì. Người đàn ông từng đối đầu với chủ tịch LĐBĐ Nam Phi, từng từ chức HLV trưởng Burkina Faso chỉ vì bị can thiệp chuyên môn, đã không gục ngã trước những kết quả không như ý khi bắt đầu ở Nhật Bản và bây giờ là Việt Nam. Ở điểm khởi đầu tại Nhật Bản và Việt Nam, không ai dám chắc triết lý bóng đá của ông Troussier sẽ bảo đảm thành công, nhưng điều quan trọng là chưa bao giờ ông Troussier nghi ngờ chọn lựa của mình. Và ở sân Al Tharmama, chúng ta thấy một Troussier quá đổi quen thuộc, như mấy chục năm trước.
Trong khi đó, Việt Nam hoàn toàn khác lạ. Đội hình ra sân của chúng ta chỉ còn đúng Đỗ Hùng Dũng là người từng có mặt trong trận tứ kết với Nhật Bản tại Asian Cup 2019. Trên sân có đến 5 cầu thủ U23 và người ghi bàn vào lưới Nhật Bản gỡ hòa 1-1 là Nguyễn Đình Bắc mới 19 tuổi nhưng đã có 2 bàn trong 3 trận đá cho đội tuyển quốc gia gần nhất, là phát hiện riêng của chính ông Troussier.
Và đó là đội tuyển đã dám cầm bóng, sử dụng các đường chuyền tầm ngắn trước một đội bóng rất giỏi về chơi khu vực và có trình độ cao hơn như Nhật Bản.
Tờ Siam Sport (Thái Lan) dành lời khen mạnh mẽ hơn cho thầy trò HLV Philippe Troussier, vì sử dụng lực lượng ít kinh nghiệm quốc tế sau khi nhiều trụ cột vắng mặt vì chấn thương. "Việt Nam được nâng tầm trở thành một đội đẳng cấp", tờ báo thể thao hàng đầu Thái Lan bình luận. "Nhiều người hâm mộ Thái Lan cũng đánh giá cao, cho rằng nên học hỏi chiến thuật của HLV Philippe Troussier".
Có những trận thắng ít giá trị và có những thất bại lại nói được rất nhiều thứ tin cậy. Trận thua của Việt Nam trước Nhật Bản đúng như ông Troussier nói, là có ích lợi cho Việt Nam. Cho đến lúc này, những chọn lựa của chúng ta từ một Troussier quen thuộc đến một tư duy chơi bóng mới mẻ, đều thực sự đáng giá dù phía trước vẫn còn 2 trận đấu và một cuộc hành trình để tìm đẳng cấp châu Á.
(Ảnh: VFF, AFC)