Trả lời phỏng vấn một tờ báo thể thao, sau khi xin lỗi CLB Thanh Hóa và các đồng nghiệp về sai lầm trong cắt còi cho Sông Lam-Nghệ An hưởng quả phạt đền, trọng tài Ngô Quốc Hưng bày tỏ: “Trên sân, trọng tài phải đối mặt với rất nhiều sức ép, tôi cũng như anh em khác rất mong nhận được sự chia sẻ, thông cảm thay vì chỉ trích, phản ứng thái quá hoặc phát biểu văng mạng. Đừng lấy trọng tài ra làm cái mộc để đổ thừa”.
Thái độ khá chuyên nghiệp của trọng tài Hưng làm người hâm mộ hài lòng, dù người ta không hiểu lắm những khuất tất đằng sau nó. Nhưng thái độ quá thiếu chuyên nghiệp của những người liên quan khác khiến nhiều người đặt câu hỏi nghi ngờ về một giải đấu. Thái độ đó đã không còn dừng lại ở mức vô tình mà góp phần làm cho trình độ, chất lượng bóng đá ngày càng tuột dốc.
Có lẽ, không một môn thể thao nào mà người ta dễ đổ thừa như bóng đá. Cũng trận đấu đó, con người đó, điều kiện đó, tình tiết đó, nhưng khi thắng hoặc thua, người ta có thể lý giải bằng hai cách hoàn toàn trái ngược nhau. Người hâm mộ nhàm tai với những câu bình luận như “nhà cầm quân nhạt nhẽo, các cầu thủ quá cá nhân, một tập thể thiếu gắn kết, lối đá nát vụn…”. Nhưng rồi cũng huấn luyện viên ấy, đội bóng ấy bỗng chốc biến thành “nhà chiến thuật đại tài, kỹ thuật cá nhân điêu luyện, một tập thể đồng đều biết phát huy sức mạnh, pha ghi bàn bẩm sinh…”.
Vậy nên không lạ gì mà từ sai lầm của trọng tài Hưng, HLV Lê Thụy Hải và nhiều người đã oang oang rằng ông Hưng đã “giết” Thanh Hóa, là nếu không có bàn thua từ chấm phạt đền thì Thanh Hóa sẽ thắng! Công bằng mà nói, đây không phải là tình trạng riêng có của bóng đá Việt Nam. Nhưng sự thô thiển, lộ liễu để đổ hết trách nhiệm cho người khác là thói quen đã trở nên điển hình của bóng đá trong nước.
Cái “mộc” mà ông Hưng đưa ra nghe có vẻ mới nhưng nó đã được sử dụng đến điêu luyện từ nhà quản lý, lãnh đạo đội bóng đến huấn luyện viên và cầu thủ. Các anh hùng nghĩa hiệp xưa thường dùng mộc nhân để luyện võ. Mộc nhân giờ gánh hết cái xấu xa.
HAI SÀI GÒN