Man.City - Chelsea và phiên bản mới của “derby tiền”

Khi Man.City tiếp đón Chelsea ở vòng 3 FA Cup chỉ 3 ngày sau trận thắng 1-0 trong khuôn khổ giải Ngoại hạng Anh, có một cái tên được nhắc đến đó là Julian Alvarez, tiền đạo trẻ Argentina vừa vô địch thế giới. Bàn thắng cuối cùng của anh ở cấp CLB trước khi tỏa sáng ở Qatar, là vào lưới Chelsea tại Cúp Liên đoàn hồi tháng 11. Và anh lại ghi bàn vào lưới Chelsea để giúp đội bóng mình thắng 4-0, giành quyền vào vòng 4.
Man.City có lẽ đang cảm nhận Julian Alvarez chính là một trong những vụ đầu tư thành công nhất lịch sử.
Man.City có lẽ đang cảm nhận Julian Alvarez chính là một trong những vụ đầu tư thành công nhất lịch sử.

Nhắc đến Julian Alvarez thì phải đề cập đến thương vụ đang gây xôn xao dư luận mà Chelsea đang xúc tiến để mua Enzo Fernandez, người đồng đội người Argentina của Alvarez và vừa giành giải Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất World Cup. Họ từng là đồng đội của nhau tại River Plate cho đến tháng 5 năm ngoái, khi đó Alvarez đã ký hợp đồng với Man xanh nhưng vẫn ở lại River Plate theo dạng cho mượng. Sau đó, cả 2 đều lên đường sang châu Âu và bắt đầu cuộc hành trình thăng tiến cực nhanh mà đỉnh điểm đó là danh hiệu vô địch World Cup.

Nhưng giá trị trên thị trường chuyển nhượng của 2 lại khác nhau. Man xanh khi mua Alvarez chỉ mới giá 14 triệu bảng, còn Chelsea hiện đang định bỏ ra 105 triệu bảng để mua đứt điều khoản phá hợp đồng của Enzo với Benfica dù đội bóng Bồ Đào Nha chỉ bỏ ra 8,8 triệu bảng để đưa Enzo rời Argentina. Câu chuyện “derby tiền” bắt đầu thú vị ở chổ này. Chúng ta thấy Man.City tính toán cẩn thận cho trường hợp của Alvarez còn Chelsea lại đang sử dụng phương pháp “cái gì tiền không mua được thì… dùng nhiều tiền hơn”.

Chelsea sẵn sàng mạo hiểm biến Enzo Fernandez trở thành tiền vệ trẻ đắt nhất thế giới.

Chelsea sẵn sàng mạo hiểm biến Enzo Fernandez trở thành tiền vệ trẻ đắt nhất thế giới.

Trước khi Newcastle đổi chủ, Chelsea chính là đội bóng đối trọng của Man.City trong các trận “derby tiền”. Dù phần lớn các ông chủ ở những CLB hàng đầu nước Anh đều giàu có, nhưng túi tiền của chủ sở hữu Chelsea và Man.City lại được ví là “không đáy”. Họ liên tục chạm đến các ngưỡng giới hạn của Luật cân bằng tài chính. Theo tờ Independent (Anh) thì nếu nguồn gốc nguồn tiền ở Chelsea trong kỷ nguyên Roman Abramovich tương đối rõ ràng vì nó thuộc quyền kiểm soát của tỷ phú Nga, thì giờ đây họ có nguồn tiền từ Clearlake, một quỹ đầu tư của Mỹ. Mà các loại quỹ đầu tư này thì không ai biết họ có bao nhiêu cả. Trong khi đó, Man.City do tài phiệt Ả Rập Sheikh Mansour đứng tên sở hữu nhưng nguồn tiền vẫn đến từ các quỹ đầu tư dưới danh nghĩa Hội đồng đầu tư thuộc nhà nước UAE.

Đây chính là loại hình khá mới của thế giới bóng đá, đặc biệt là nhóm CLB hàng elite của châu Âu. Thay vì thuộc sở hữu của các tỷ phú, hoặc thuộc về cộng đồng CĐV thông qua việc sở hữu cổ phần, thì cách điều hành của các quỹ đầu tư khiến cho hoạt động chuyển nhượng mang một màu sắc khác. Ví dụ như việc Man.City mua Erling Haaland, Alvarez và Manuel Akanji đều với mức giá đầy tiềm năng. Trong khi đó, Chelsea không có tân binh nào thành công. Họ mua Sterling từ Man.City sau khi anh này ghi 131 bàn và thắng 10 danh hiệu, nhưng sau đó tiền đạo này chỉ mới có 6 bàn sau 22 trận cho Chelsea. Lúc đến Man.City, Sterling có giá 44 triệu bảng và lúc sang Chelsea, giá là 47,5 triệu. Nhưng vấn đề nằm ở chổ, là Chelsea cứ tiếp tục mua cầu thủ, vì bây giờ với họ đó là các khoản đầu tư. Chuyện thành - bại trên sân cỏ, chưa phải là cái để bận tâm lúc này.

Erling Haaland chắc chắn là tiêu biểu cho cách làm thành công của Man.City.

Erling Haaland chắc chắn là tiêu biểu cho cách làm thành công của Man.City.

Chưa biết Newcastle, CLB mới nhất được thâu tóm bởi quỹ đầu tư đến từ Saudi Arabia sẽ làm gì trong thời gian tới, nhưng như đã biết, việc PSG với các nhà đầu tư đến từ Qatar đang sở hữu bộ ba Messi-Neymar-Mbappe mà không hề muốn “nhả” cho ai cả. Có thể mục tiêu của họ là vô địch Champions League, nhưng cũng có thể, đó là những “khoản đầu tư” cho các mục đích khác mà việc Qatar đăng cai World Cup 2022 là một cái đích gián tiếp tạo ra thứ “quyền lực mềm” cho những quốc gia giàu có như Qatar.

Nói cho cùng, việc Man.City đang bắt đầu làm ăn có lãi sau hơn một thập niên được giới tài phiệt Ả Rập đầu tư đã cho thấy bóng đá không chỉ là nơi đốt tiền hay thể hiện địa vị của các tỷ phú.

Tin cùng chuyên mục