
Cuối tuần này, Navibank Sài Gòn có trận đá V-League đầu tiên trên sân nhà. Hẳn là một thời khắc quan trọng, cả với cầu thủ và những cổ động viên đến sân. Vì đến bây giờ, vẫn chưa ai biết được Navibank Sài Gòn nên được gọi là “một suất V-League của bóng đá Sài Gòn”, hay là “một đội bóng Sài Gòn”…
Ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch HFF nói rằng, Sài Gòn là vùng đất luôn đón nhận mọi người từ khắp nơi đến lập nghiệp và làm ăn. Nên chuyện một đội Navibank có xuất thân từ Nghệ An về phương Nam dựng nghiệp cũng là điều bình thường. Cần một thời gian nhất định thì đội bóng đó cũng sẽ là được chấp nhận như bao điều bình thường khác trong cuộc sống.

Cuối tuần này, các cầu thủ Navibank Sài Gòn sẽ có trận đấu V-League đầu tiên trên sân nhà Thống Nhất, nhưng liệu họ có tìm được “điểm tựa” từ khán đài? Ảnh: NHẬT ANH
Chúng tôi tin đấy là một quan niệm không có gì sai. Thế nhưng, từ chấp nhận đến việc có một thứ tình yêu thực sự đối với đội bóng là khoảng cách dịu vợi, mơ hồ. Thử tưởng tượng một kịch bản xấu thế này: Navibank Sài Gòn chơi không tốt, phải xuống hạng thì liệu rằng họ có đủ lòng tin để trở lại V-League hay không, nếu trong một ngày đẹp trời nào đó, hay vì điều gì đó, lại có một cái tên lạ hoắc “hạ cánh” trên đất Sài Gòn lập nghiệp. Chưa hết, cầu thủ của Navibank SG vốn không phải là người xứ này, vậy liệu họ có khao khát trở lại đỉnh cao hay không, ngoài chuyện tiền lương và tiền thưởng?
Bóng đá nói cho cùng cũng là trò chơi của cảm xúc. Người ta sẽ yêu nhiều hơn đối với một đội bóng mà họ tin rằng là “của họ”. Họ sẽ không bỏ rơi nó nếu nó “có lỡ” bị xuống hạng. Họ sẽ yêu nó nhiều hơn nếu nhờ tình yêu của họ mà nó thăng hạng trở lại. Phàm ở đời, cái gì càng được chia sẻ, đồng cảm trong thử thách thì càng giá trị . Chẳng có thứ tình yêu tử tế nào lại chợt đến, chợt đi cả…
Nói như vậy để thấy rằng, đại đa số người yêu bóng đá Sài Gòn vẫn mong đội bóng Cảng Sài Gòn cũ của họ (nay là CLB TPHCM) trở lại V-League nhiều hơn là muốn thấy Navibank Sài Gòn làm được cái gì đó. Nghĩa là chính Navibank SG phải cố gắng chia sẻ với người hâm mộ, hơn là yêu cầu họ yêu mến đội bóng. Nghĩa là nếu ở những trận cầu trên sân Thống Nhất, Navibank SG chơi một thứ bóng đá mềm mại, nhỏ nhuyễn gần gũi... như Cảng ngày xưa, có lẽ họ sẽ chiếm được cảm tình của giới mộ điệu.
Tất nhiên, đấy chỉ là một ví dụ đẹp đẽ. Còn thực tế, khó có chuyện đội hình QK4 cũ từ bỏ lối chơi rắn, đơn giản và thiên về sức mạnh. Và như vậy, Navibank SG vẫn cứ là lữ khách trên đất nhà.
***
Có lẽ chính đối thủ của Navibank SG chiều Chủ nhật này là những người chia sẻ cảm giác ấy nhiều nhất. Trong khi đó, V.Ninh Bình cũng là đội bóng hầu như không có cầu thủ gốc địa phương nào. Người ta tin rằng, với cách làm bóng đá tương đối giản đơn của ông chủ đội bóng này, hình ảnh kỳ lạ ấy còn tiếp tục tái diễn.
Hay nói cho chính xác, những cầu thủ nổi tiếng đang khoác áo V.Ninh Bình âu cũng chỉ là lao động để kiếm tiền lương là chính. Với họ, bằng thái độ thi đấu “chuyên nghiệp”, thì đá ở đâu cũng là sân khách. Bóng đá đúng là không có biên giới. Hiểu theo ngữ nghĩa nào cũng được cả.
Nói cho cùng, với bóng đá chuyên nghiệp thì làm như V.Ninh Bình cũng là bình thường. Tuy nhiên, cầu thủ chơi bóng trên sân cho dù đã đá rất tốt và đáng đồng tiền bát gạo, vẫn cần… tốt hơn nữa. Khi họ cần một cú rướn đầy nỗ lực để chạm vào một pha bóng tưởng chừng vô vọng thì lúc đó, họ cần thứ động lực khác, ngoài tiền bạc. Đôi khi đó lại là những khoảnh khắc của chiến thắng hoặc thất bại.
Ai cũng có thể tin là những ngôi sao như Việt Thắng, Như Thành, Tiến Thành… là người chơi bóng chuyên nghiệp, nhưng thật khó khẳng định rằng họ sẽ trở lại với phong độ chói sáng. Một tập hợp những ngôi sao được tuyển mộ không theo ý tưởng của HLV trưởng thật khó có thể chơi hòa hợp với nhau khi thiếu cả những động lực về tinh thần.
Vì thế, khi V.Ninh Bình chơi thành công, người ta sẽ nói vì họ có nhiều tiền. Nhưng nếu thất bại, rồi tiếp tục thất bại, khi ấy sẽ nói nguyên nhân là gì đây?
HỒ VIỆT