Lee Nguyễn và chuyện bóng đá Việt

1. Tiền vệ gốc Việt đang ở Việt Nam nhưng chưa chắc sẽ thi đấu tại V-League. Chuyến trở về này có thể chỉ liên quan đến kinh doanh, quảng cáo. Thế mới thấy hài hước cho bóng đá Việt khi một cầu thủ tài năng ở đẳng cấp quốc tế, đá không nổi tại V-League phải “dạt” sang Mỹ để rồi quay về kiếm tiền tại Việt Nam bằng chuyên môn ngoài sân cỏ.

Những gì Lee Nguyễn làm tại giải nhà nghề Mỹ MLS đã phơi bày sự thật của V-League: Tài năng cầu thủ thì không mất đi nhưng nó có thể bị triệt tiêu bởi môi trường thi đấu không phù hợp. Lee Nguyễn có giỏi đến mấy thì cũng khó trở thành ngôi sao. Ngược lại, nhiều cầu thủ Châu Phi với năng lực bình thường, là “hàng dạt” từ Thái Lan, Indonesia vẫn có thể đều đều đứng đầu danh sách ghi bàn.

Lee Nguyễn (giữa) trong màu áo tuyển Mỹ ở trận giao hữu cùng Costa Rica. Ảnh: T.L.

2. Chuyện của Lee Nguyễn là một phần chuyện của Công Phượng hay các cầu thủ của HA.GL hiện nay. Có lẽ dư luận không nên quá khắt khe đối với HLV Miura. Cứ cho là Công Phượng sở hữu năng lực rất tốt nhưng thực tế thì anh không quá nổi bật tại V-League, càng khó thể hiện được những gì tốt nhất ở đội tuyển. Có thể Công Phượng, Tuấn Anh được những CLB tại J-League 2 nhìn thấy triển vọng nhưng không có nghĩa, từ J-League trở về thì họ sẽ khá hơn tại V-League.

Nhìn rộng hơn, những gì thể hiện tại U.23 Việt Nam hay đội tuyển quốc gia tại vòng loại World Cup 2018 cũng thế. Nó phản ảnh bộ mặt của nền bóng đá dù có nhiều hay ít tài năng. Một V-League kém chất, triệt tiêu năng lực cầu thủ thì khi lên tuyển, có vài ngôi sao thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Hãy thử nghĩ xem, tại sao cứ lên tuyển thì lại chấn thương và toàn là những trường hợp lẽ ra phải nghỉ để chữa trị dứt điểm càng sớm càng tốt. Phải chăng ở môi trường có tính tập trung cao, cường độ vận động mạnh, cạnh tranh nhiều thì điểm yếu của cầu thủ Việt mới “lòi” ra?

3. Lee Nguyễn về Việt Nam làm quảng cáo, Công Phượng, Tuấn Anh sang Nhật Bản “du học”, ngẫm cho cùng cũng giúp bóng đá Việt Nam có chút “tiếng thơm”. Chỉ có điều, hơn chục năm làm bóng đá chuyên nghiệp mà bây giờ đụng đâu thì hư đó. Một đội bóng hạng Nhì phấn đấu lên hạng Nhất, chưa gì hết đã… xin nghỉ trong khi có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề. Một lứa cầu thủ trẻ mới đá 1 mùa V-League thì ông bầu đã vội đưa đi càng xa càng tốt. Một liên đoàn có vài chục ban, phòng chức năng nhưng kiếm không ra tiền, không có người hỗ trợ chuyên môn cho HLV trưởng quốc gia để cái gì cũng phải lệ thuộc. Một giải đấu hàng đầu quốc gia nhưng suốt ngày này tháng nọ, các nhà quản lý chỉ  nghĩ ra cách triệt tiêu tính cạnh tranh bằng cách nâng số lượng CLB, hạn chế ngoại binh, nới lỏng các ràng buộc về quy chế.

Rõ ràng, đây là bản chất của bóng đá Việt, không ở xu hướng khuyến khích sự phát triển mang tính cá nhân, khác biệt. Vậy thì bói đâu ra đội tuyển tài năng?

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục