
Sân bay Narita (Nhật Bản) thời gian qua hết sức bận rộn. Không chỉ đưa đón các cầu thủ Nhật Bản ra đi và trở về sau thành công World Cup cũng như chức vô địch Asian Cup, các chuyến bay còn mang các cầu thủ Nhật sang châu Âu, đặc biệt là nước Đức, lập nghiệp.
Khi Yasuhiro Okudera, cầu thủ Nhật Bản đầu tiên sang châu Âu thi đấu vào tháng 1977, sân bay Narita thậm chí còn chưa mở cửa. Nhưng ngay từ bản hợp đồng đầu tiên ấy, Okudera đã cho thấy cầu thủ Nhật Bản hoàn toàn có những tố chất để thành công tại châu Âu. Anh là thành viên chính thức hẳn hoi của CLB Cologne đã vào đến bán kết Cúp C1 năm 1979. Thậm chí Okudera còn ghi bàn vào lưới đội bóng sau đó lên ngôi vô địch Nottingham Forest. Sau đó, Okudera còn chuyển sang đầu quân cho 2 đội bóng nổi tiếng khác của Bundesliga là Hertha Berlin và Werder Bremen.

Shinji Okazaki (trái) trong màu áo Stuttgart tại Europa League.
Khi Okudera hồi hương để đầu quân cho CLB Furukawa Electric, anh là cầu thủ chuyên nghiệp duy nhất của Nhật Bản thời bấy giờ. Bằng kinh nghiệm của mình, Okudera góp phần làm nên giải vô địch chuyên nghiệp Nhật bản vào năm 1993. Sau khi làm Chủ tịch kiêm HLV của đội Furukawa, Okudera cùng với người đồng đội cũ tại Cologne là Pierre Littbarski góp phần làm nên tên tuổi của đội bóng nổi tiếng Yokohama F.C. Với Okudera là Chủ tịch và Pierre Littbarski là HLV, CLB này thăng hạng Nhất và trở thành thế lực một thời trong làng bóng đá Nhật Bản.
Từ ngày ấy, mối liên kết giữa Nhật và Bundesliga đã được hình thành. Một ví dụ tiêu biểu: Volker Finke từng cầm quân cho Urawa Red tại Nhật hiện đang làm Giám đốc thể thao tại Cologne. Cựu cầu thủ Thomas Kroth của Cologne có một công ty môi giới chuyên mang cầu thủ từ Nhật sang Đức mà bản hợp đồng mới nhất là Tomoaki Makino. Từ sau World Cup 2010 đến nay, đã có 6 cầu thủ từ đất nước mặt trời mọc sang Bundesliga lập nghiệp, ngoài ra còn có hậu vệ cánh Yuto Nagatomo đầu quân cho Inter Milan.
Làn sóng Nhật Bản sang châu Âu lập nghiệp rộ lên chủ yếu vì thành công của đội tuyển nước này thời gian qua. Trước đó, Shinji Ono và Junichi Inamoto cũng đã sang Đức thử thời vận còn thủ quân Makoto Hasebe thậm chí còn cùng Wolfsburg đoạt đĩa bạc vô địch vào năm 2009.
Hajime Hosogai được Leverkusen ký hợp đồng nhưng không dùng ngay mà mang cho Augsburg mượn. Hậu vệ phải Atsuto Uchida đang trong biên chế Schalke, Kisho Jano là cầu thủ Freiburg và mới nhất là chuyến đi từ Shimizu S-Pulse đến Stuttgart của Shinji Okazaki.
Nói đến cầu thủ Nhật tại Đức, không thể không nhắc đến Shinji Kagawa, người chỉ trong 1 thời gian ngắn đã trở nên nổi danh trong màu áo Dortmund. Thậm chí đã có tin Barcelona muốn chiêu mộ Kagawa để về dự bị cho Andres Iniesta. Chấn thương đã cướp đi của HLV Jurgen Klopp một nhân tố cực kỳ quan trọng ở tuyến giữa. Nhưng dù chưa đá một trận nào từ sau Asian Cup cho Dortmund, Kagawa đã có bước khởi đầu được xem là thành công nhất của một cầu thủ châu Á trên đất châu Âu từ sau khi Cha Bum Kum cùng Eintracht Frankfurt giành chức vô địch Bundesliga 1979.
Cầu thủ châu Á nói chung và Nhật nói riêng không còn làm đầy băng ghế dự bị và là công cụ xâm chiến thị trường Nhật Bản đơn thuần nữa. Con trai của Cha Bum Kum là Cha Du-ri là trụ cột của Celtic. Uchida đá hay đến mức Schalke bán đi hậu vệ Rafinha cho Genoa không chút tiếc nuối.
Từ đây, giới truyền thông Nhật Bản mới than phiền về chuyện các CLB Nhật đã để cầu thủ của mình ra đi với giá quá rẻ. Dortmund chỉ cần chi ra 350.000 euro là có Kagawa trong khi bây giờ giá của anh có thể lên đến 20 triệu euro. Stuttgart thậm chí không trả một xu nào cho Shinji Okazaki và CLB cũ của anh là Shimizu S-Pulse thậm chí đã nhờ FIFA can thiệp. Có lẽ từ đây, các CLB Đức sẽ phải chi nhiều hơn nếu muốn nhập khẩu cầu thủ Nhật Bản vào nước mình, tương tự như chi phí mà các CLB phải trả cho các cầu thủ Hàn Quốc. Nhưng với sự thành công của các cầu thủ Nhật tại Đức hiện nay, rõ ràng trả nhiều tiền hơn một chút cũng không thành vấn đề.
THANH BÌNH