Có một sự thật là bóng đá Việt Nam đang rơi vào cảnh suy thoái, nguồn đầu tư mới không có mà những người cũ thì rục rịch ra đi. Nhưng cũng có một sự thật khác là vẫn có những ông bầu… thích sở hữu nhiều đội bóng. Tiêu biểu nhất là bầu Hiển.

Hai đội bóng nhà bầu Hiển - HN.T&T (trái) và SHN.ĐN - đã lọt vào tầm ngắm của các ông bầu VPF. Ảnh: Quang Minh
Vì thế mà trong cuộc gặp gỡ báo chí hôm qua, những người đứng đầu VPF cũng phải đối diện với một mâu thuẫn: Họ phải thuyết phục ít nhất 3 ông chủ CLB đừng bỏ bóng đá nửa chừng, nhưng đồng thời cũng khuyến cáo sẽ làm việc với bầu Hiển để chấm dứt việc cùng lúc sở hữu nhiều đội bóng. Nghĩa là chuyện nào ra chuyện đó.
Trước hết, chúng ta phải thấy rằng, đầu tư cho một đội bóng không dễ dàng gì nếu không nói là phải tầm vóc “đại gia” mới dám “chơi” bóng đá. Xét trên góc độ đó, việc đầu tư cho 3-4 đội bóng như bầu Hiển là chuyện đáng hoan nghênh. Phải chăng, việc bầu Hiển muốn có nhiều đội bóng cũng chỉ là cách suy nghĩ tích cực? Phải có điểm lợi gì đó thì ông bầu Hà Nội này mới theo đuổi việc đó đến tận bây giờ bất chấp điều tiếng bấy lâu nay.
Đứng trên góc độ sự phát triển của bóng đá nội địa, cũng chưa thấy tác động xấu từ việc đầu tư của bầu Hiển. Chúng ta hãy thử tưởng tượng: Nếu có đội bóng nào vượt qua được 2 đội của bầu Hiển để vô địch thì chắc chắn đó là một đội rất mạnh. Như vậy, nghĩa là tính cạnh tranh cao hơn nhiều so với chỉ có một HN T&T hay một SHB Đà Nẵng. Cứ cho là với việc có 2 đội, bầu Hiển sẽ khống chế cả V-League khi dùng 1 đội “chặn đường” các đối thủ để đội kia hưởng lợi nhưng như đã nói ở trên, nếu có đội nào vượt qua trở ngại ấy, tự dưng sẽ là một quyền lực ghê gớm.
o0o
Tuy nhiên, nói như các ông bầu VPF cũng đúng. Luật là luật. Dù tích cực hay tiêu cực thì việc sở hữu nhiều đội trong cùng một hạng đấu sẽ làm “lũng đoạn” nền bóng đá. Điều đó, đương nhiên là là không nên.
Nhưng đã là luật thì cũng phải căn cứ vào luật. Cũng như tại tòa án, đúng hay sai nằm ở những chứng cứ có được, chứ không thể nhận xét trên cảm tính. Nếu bầu Hiển không liên quan gì đến công ty đang quản lý CLB SHB Đà Nẵng thì đương nhiên, ông không phạm luật gì cả. Nếu ngân hàng SHB chỉ tham gia tài trợ cho CLB SHB Đà Nẵng thì không có nghĩa là bầu Hiển được trở thành ông chủ. Mà trên thực tế, nếu hỏi người Đà Nẵng ai là ông chủ của đội bóng, dám chắc họ sẽ khẳng định định: đội bóng này chẳng phải của bầu Hiển.
Vậy thì “xử” bầu Hiển bằng cách nào?
Hoàn toàn chẳng có cách nào cả. Bởi bản chất vấn đề nằm ở chỗ khác. Tại Việt Nam, bóng đá cần các ông bầu chứ chưa hẳn là ngược lại. Vì cái xu hướng chẳng giống ai đó mới nẩy sinh chuyện một ông bầu, nhiều đội bóng. Một CLB sống trên túi tiền của các ông bầu thì chẳng cần liên quan gì, miễn là có “tiền tươi, thóc thật” thì đương nhiên, sẽ đường đường trở thành ông chủ. Càng có nhiều rào cản pháp lý, thì sẽ dẫn đến chuyện không ai muốn đầu tư bóng đá bởi chẳng ai muốn ngoài việc bỏ tiền còn rước vào thân những vấn đề rắc rối. Bản thân VPF cũng biết, có nhiều doanh nghiệp muốn bỏ bóng đá vì sự phức tạp của nó kia mà.
Hồ Việt