Khoảng cách còn giảm

VIỆT KHANG

Nhiều khả năng “câu chuyện thần tiên” của Leicester trong mùa này có thể tiếp tục vào những mùa kế tiếp sau khi 20 CLB giải ngoại hạng đồng ý gia hạn một thỏa thuận về “kiểm soát chi phí ngắn hạn” vốn được đưa ra hồi năm 2013 nhằm tránh phát sinh quỹ lương ở các CLB lớn và tạo ra sự công bằng tương đối cho các đội bóng nhỏ. Đại loại, các đội sẽ không được chi quá mức quy định so với mùa giải trước đó. Ví dụ, mùa sắp tới sẽ không được quá 7 triệu bảng so với mùa hiện nay.

Tiền lương là một ưu thế đặc biệt của giải ngoại hạng Anh để thu hút các ngôi sao. Mặc dù kỷ lục về trả lương cho 1 cầu thủ không thuộc về giải ngoại hạng nhưng các đội bóng Anh dù là “ngũ đại gia” hay tân binh đều có khả năng chi lương cao. Ví dụ như mới đây, tiền vệ người Pháp Payet đồng ý gia hạn thêm 5,5 năm hợp đồng với West Ham thay vì đến Trung Quốc với lời đề nghị gần 40 triệu bảng, cao hơn nhiều so với bản hợp đồng 11 triệu bảng với West Ham khi mua anh hồi năm ngoái. Sự cam kết của Payet hay gần nhất là HLV Bilic cho thấy, với lợi tức từ bản quyền truyền hình 3 mùa bóng mới, các CLB Anh sẵn sàng mạnh tay chi thêm tiền lương nhưng thông qua thỏa thuận nói trên, các đội bóng như West Ham sẽ không bị mất ưu thế so với những đại gia.

Có thêm tiền để mua cầu thủ và cũng không bị mất nhân tài do cơ chế khống chế tiền lương, đây quả là một cơ hội cho những đội bóng hạng trung hoặc yếu thu hút được cầu thủ. Đành rằng quỹ lương của các CLB như Leicester hay West Ham không thể bằng với Chelsea, Man.City nhưng thực tế thì nó cũng quá lớn để chiêu mộ các cầu thủ ít tên tuổi và đầy tiềm năng. Những Mahrez hay Payet trước khi tỏa sáng trong mùa bóng này đều không phải là các lựa chọn của những "đại gia”. Họ sẵn lòng đến với Leicester hay West Ham bởi được mua bằng giá tốt và quan trọng là tiền lương cao hơn gấp nhiều lần so với CLB cũ ở giải Ligue 1.

VIỆT KHANG

Tin cùng chuyên mục