
“Cầu thủ thứ 12”, “tiền đạo của Tầm nhìn châu Á”, “bóng đá sẽ chết nếu không có khán giả”… là những mỹ từ để nói về tầm quan trọng của người hâm mộ đối với bóng đá. Ngoài ra, ở bóng đá chuyên nghiệp, khán giả còn là “thượng đế” vì họ sẽ là những người “mua” những “món hàng” mà bóng đá đem lại. Nhưng làm gì có chuyện đó.
Đối với bóng đá Việt Nam, khán giả gần như một “thứ của nợ”. Nói đến như vậy thì có thể xúc phạm những người đang bỏ ít nhất là thời gian đến xem các trận bóng, nhưng không như thế thì là… cái gì?
Hành động của một đội trưởng như Quang Thanh trong trận thua Khánh Hòa không hề hiếm gặp. Ngay vòng 3, ở sân Ninh Bình cũng có chuyện tương tự như vậy khi cầu thủ đội nhà cứ khiêu khích khán giả nhà. Thua trận thì ai cũng bực tức, nhưng sao lại đối xử với những người đến sân vì mình như thế?
Cầu thủ phản ứng vì cho rằng khán giả không công bằng, chê bai mình thái quá. Sự thật thì đấy là quyền của họ. Có đá thắng, họ cũng được quyền phê phán nếu thắng chẳng ra gì. Đá mà thua đội yếu hơn, thua vì đá xấu thì càng phải bị chê trách. Mà đang trong cơn giận, làm thế nào mà kiểm soát ngôn từ cho được. Không lẽ chửi cũng phải có qui định về câu từ và cường độ ư?
Dù trong bất kỳ trường hợp nào, phản ứng lại với khán giả, tỏ thái độ khiêu khích họ đó là điều cấm kỵ. Bởi nó khác nào tự mình quay lưng với chính người thân của mình.
Trừ khi, cầu thủ luôn mang tâm trạng khán giả là thứ “của nợ”.

Không có khán giả, bóng đá… sẽ chết! Ảnh: Hoàng Hùng
o0o
Đau lòng là chuyện trời ơi ấy, có vẻ là thật!
Khán giả Việt Nam đang được đến sân xem bóng đá gần như miễn phí. Tất nhiên, người ta chẳng tốt bụng đến mức không biết tiền bán vé là khoản doanh thu chẳng nhỏ, nhưng nếu bán vé, thì sân không đông. Khán đài mà vắng, thì chẳng biết ăn nói thế nào với nhà tài trợ hoặc lãnh đạo địa phương. Nghĩa là cực chẳng đã, họ mới miễn phí hoặc bán vé cực thấp. Mà phàm là như thế, thì dễ dẫn đến suy nghĩ, khán giả là “của nợ”. Không có thì không được, có thì chỉ thêm phiền phức.
Đấy là lý do mà cho đến nay, gần như chẳng có đội bóng nào thèm quan tâm đến chuyện làm một website cho ra hồn, phát hành một tờ bản tin cho bài bản, sản xuất quà lưu niệm để có cái gọi là quà cho “thượng đế” của mình. Vé còn chẳng bán, bày vẽ những điều rườm rà kia thêm chi cho nhọc sức.
CLB đã vậy, cầu thủ còn tệ hơn. Nói cho cùng, khi sự cống hiến của họ trên sân không có nhiệm vụ để tăng doanh thu bán vé thì họ chỉ đá vì cái thương hiệu của ông bầu và vì những khoản tiền thưởng mà họ biết chắc chắn là có. Tâm lý như vậy, cần gì phải đá đẹp. Cứ thắng là được hoặc ít nhất là đừng thua.
Thế mới tức khi chỉ đá kém một chút, đã bị chửi. Tức ở chỗ, cho vào sân xem miễn phí mà còn chửi thì chịu làm sao được?! Hình như cầu thủ của chúng ta đang có những ý nghĩ ấy trong đầu.
Vì cái gì mà từ vị trí của một “thượng đế”, người hâm mộ lại trở thành “của nợ”. Vì sao mà bóng đá không thể bán vé cho khán giả một cách đường hoàng mà cứ như là “bán tống, bán tháo” bằng kiểu mở cửa miễn phí rồi tự cho phép mình coi người mua chẳng ra gì? Vì ai mà cầu thủ, những người luôn luôn được nuôi sống, được yêu thương bởi khán giả lại coi đám đông trên khán đài là kẻ thù của mình?
Hỏi, là đã trả lời.
Hồ Việt