Inter và nhiệm vụ bất khả thi tại chung kết Champions League, nhưng họ vẫn có cơ hội

Trong một trận đấu, nếu bạn chỉ nói về đội bóng mạnh hơn, có khả năng chiến thắng quá lớn thì trận đấu liệu có vô nghĩa? Đó là một câu hỏi thú vị và chắc chắn là chính các cầu thủ Inter Milan cũng tự hỏi như vậy suốt tuần qua. Phần thắng nghiêng hết về Man.City, thế thì họ làm cái quái gì trong trận chung kết?
Inter và nhiệm vụ bất khả thi tại chung kết Champions League, nhưng họ vẫn có cơ hội

Nhưng như tờ Independent bình luận, thật ra thì chính Pep và Man.City cũng đang có câu hỏi tương tự: Inter Milan sẽ đá như thế nào ở trận đấu cuối cùng khi mà cuộc hành trình của họ đến Istanbul giống như một mớ hỗn độn về ý tưởng chiến thuật. Rất khó để xác định khuôn mẫu đội hình hoặc xu hướng trong lối chơi của Inter vì dường như… nó không tồn tại. Các đối thủ mà Inter Milan vượt qua thậm chí còn chơi tốt hơn họ, nhưng bằng cách nào đó, đội bóng Italy vẫn vào chung kết. Một vài người còn châm biếm, chiến thuật của Inter Milan không có trong kho dữ liệu của Pep vì nó thuộc vào những năm 1990, khi bóng đá chưa hoàn toàn số hóa để chuyển dữ liệu cho AI phân tích như bây giờ.

OK, chúng ta sẽ nói về dữ liệu trước. Đã lâu một trận chung kết Champions League mới được dự đoán chênh lệch đến vậy, khi hầu hết nhà cái, hãng thống kê và chuyên gia cho ra các dự báo chênh lệch nhất kể từ năm 1989, kể từ khi họ ghi nhận các thông tin. Hãng Opta nhận định cửa thắng của Man City lên tới 65%, của Inter chỉ là 16%, còn lại 19% khả năng hai đội hòa và bước vào hiệp phụ. Thống kê siêu máy tính FiveThirtyEight cũng cho rằng cơ hội vô địch của thầy trò Pep Guardiola lên tới 75%, gấp ba lần đối thủ.

Inter đang được ví như David đứng trước gã khổng lồ Goliath. Nếu thắng, thầy trò Simone Inzaghi có thể tạo ra cú sốc lớn bậc nhất lịch sử chung kết Champions League. Và đó là lý do chúng ta nên có cái nhìn khách quan hơn về cơ hội của Inter. Họ gần như đá theo kiểu “vô chiêu thắng hữu chiêu”, nhưng vẫn là đội chiến thắng sau cùng có lẽ vì được thúc đẩy bởi lịch sử. Họ không sử dụng các tiêu chuẩn hiện đại để đến Istabul, mà là các giá trị cũ kỷ của một đội từng là nơi mà Ronaldo, Roberto Baggio, Christian Vieiri, Lothar Matthaus, Jurgen Klinsmann, Zlatan Ibrahimovic, Youri Djorkaeff hay Karl-Heinz Rummenigge… chơi bóng. Họ không có gì cả để so sánh với Man.City vậy nhưng lại có thứ mà Man.City không có.

Đó có thể chính là điểm mấu chốt của trận chung kết. Inter Milan giờ không còn là “bộ sưu tập” của chủ tịch huyền thoại Moratti. Họ giống một đội bóng hơn, với các cầu thủ không quá xuất sắc, thậm chí già nua kiểu như Dzeko, nhưng họ có chất lượng không tồi. HLV của họ, Simone Inzaghi có gương mặt đầy vẻ … thơ ngây, chắc chắn không phải là mẫu người có sẳn hệ tư tưởng chiến thuật nào cả. Ông thậm chí còn không có một thông điệp đặc biệt nào trước trận bán kết lịch sử với AC Milan ngoài câu nói “cửa miệng”: Nào, bước ra sân và làm cho CLB tự hào.

Tuy nhiên, chính sự nhẹ nhàng đó đã đóng vai trò quan trọng trong trận chung kết này. Vai trò chiếu dưới của Inter Milan càng rõ ràng thì công việc của Inzaghi lại càng đơn giản. Nó giống như một anh chàng thợ máy không có học hành bài bản, được ném cho một chiếc xe nát bét và bảo hãy làm sao cho chạy. Biết gì thi làm nấy, hoàn toàn không có sự thách thức hay áp lực. Việc duy nhất mà Inzaghi làm là tận dụng hoàn cảnh để nuôi dưỡng “bầu không khí gia đình”, thứ phẩm chất duy nhất giúp họ ngang bằng với Man.City.

Simone Inzaghi chỉ thua 1 trong 8 lần vào trận đấu tranh danh hiệu trong sự nghiệp huấn luyện của mình, đó là một chi tiết đáng chú ý. Thất bại duy nhất đó đến trong lần đầu Inzaghi vào chung kết, ở mùa 2016-2017 khi ông dẫn dắt Lazio đá chung kết Cup Italy và thua Juventus. Nhưng sau đó, ông đoạt 7 danh hiệu, gồm 3 Cup Italy, 4 Siêu Cup Italy khi dẫn dắt các CLB Lazio rồi Inter.

Dù các thống kê không đứng về phía Inter, mọi chuyện đều có thể xảy ra trong 90 phút. Đó có thể là lý do người trong cuộc như HLV Guardiola, tiền đạo Romelu Lukaku, Edin Dzeko, tiền vệ Kevin de Bruyne và thủ môn Ederson đều nhận định trận đấu là 50/50. Người hâm mộ Man.City có lẽ chưa quên họ từng đứng trước tình huống tương tự, khi được đánh giá cao hơn hẳn Wigan tại chung kết Cup FA 10 năm trước, nhưng cuối cùng lại thua 0-1 ở phút bù hiệp hai. Đội được đánh giá cao hơn thường chịu áp lực lớn hơn, và điều đó càng dễ xảy ra trong trận chung kết. Cũng vì thế, Guardiola tỏ ra thận trọng khi ông nói: "Nếu tỷ số vẫn là 0-0, Inter sẽ cảm thấy họ đang dẫn trước".

Inter làm cái quái gì trong trận chung kết? Không ai biết cả và có thể là họ …chẳng phải làm gì cả. Man.City sẽ “chỉ đạo” trận đấu và họ có thể thắng nhưng cũng có thể tự mình thua trận…

Tin cùng chuyên mục