Đặc biệt, với việc kiểm soát và khống chế rất tốt dịch Covid-19, sự kỳ vọng và niềm tin của bạn bè quốc tế vào chính phủ và ngành thể thao Việt Nam rất lớn. Đây cũng chính là cơ hội, để Việt Nam khẳng định và thể hiện sự phát triển kinh tế xã hội, ổn định chính trị của Việt Nam trong khu vực.
Một yếu tố quan trọng nữa, tức là việc lựa chọn các môn để đưa vào chương trình thi đấu chính thức (dự kiến có 36 môn do Việt Nam chọn và 4 môn do các quốc gia đề xuất tại cuộc họp trực tuyến của Hội đồng thể thao Đông Nam Á vào ngày 21-7 và 22-7 tới đây) phải được đảm bảo nằm trong hệ thống thi đấu Olympic và Asiad.
Vấn đề này, theo phân tích của lãnh đạo Tổng cục TDTT, sẽ kích thích các VĐV ở từng môn của mỗi quốc gia tham dự phải thực sự nỗ lực trong tập luyện và phải cạnh tranh rất khắc nghiệt khi bước vào thi đấu mới có thể giành được huy chương. Nhờ vậy, giới chức Tổng cục TDTT nhận định chất lượng chuyên môn của Đại hội sẽ được nâng lên tầm cao mới.
Dự kiến, SEA Games 31-2021 sẽ có khoảng hơn 7.000 VĐV của 11 quốc gia tranh tài. Tổng cục TDTT cũng dự kiến sẽ cử Đoàn Thể thao Việt Nam góp mặt với thành phần đông đảo nhất có thể, nhưng sẽ tập trung cho nhóm môn Olympic, kể cả tạo điều kiện cho nhiều tài năng trẻ tham dự.
Tổng cục TDTT đã cử các đoàn khảo sát về địa điểm dự kiến sẽ diễn ra tổ chức Lễ khai, bế mạc và các môn thi đấu của SEA Games 31 suốt thời gian qua, sau khi thời gian giãn cách xã hội do tác động của dịch Covid-19 khép lại. Theo đánh giá ban đầu, hầu hết đơn vị đăng cai tổ chức tại Hà Nội đã có kế hoạch và phương án tu sửa, điều chỉnh nhằm đảm bảo tốt các yêu cầu mà các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao Đông Nam Á yêu cầu. Bên cạnh đó, những địa phương vệ tinh đồng tổ chức một số môn thi đấu khác cũng đã lên các phương án tu sửa, nâng cấp với nguồn kinh phí địa phương và trung ương hỗ trợ một phần.