
Nếu không tính đến kỳ trao giải đầu tiên mang tính lịch sử thì lần tổ chức năm 2002 được xem là kỳ giải đặc biệt nhất trong lịch sử của giải thưởng bởi nó liên quan đến nhiều sự kiện mang tính cột mốc của làng cầu Việt Nam. Và đấy đều là những hồi ức đẹp…

Các danh hiệu Quả bóng vàng 2002 (từ trái sang): Quả bóng bạc Trần Minh Quang (Bình Định), Quả bóng vàng Lê Huỳnh Đức (NH Đông Á), Quả bóng đồng Huỳnh Hồng Sơn (Cảng Sài Gòn).
Có vô số sự kiện lịch sử ở kỳ trao giải ấy: Đầu tiên là danh hiệu thứ 3 và cũng là cuối cùng của Lê Huỳnh Đức, chân sút số 1 của đội tuyển quốc gia Việt Nam. Cho đến nay, Lê Huỳnh Đức vẫn là người có thành tích nhiều nhất của giải thưởng QBV. Kế đến, đây là lần đầu tiên xuất hiện giải thưởng dành cho nữ với QBV Việt Nam đầu tiên dành cho các cô gái thuộc về … thủ môn Nguyễn Thị Kim Hồng (TPHCM). Sự kiện thứ 3 chính là lần đầu tiên có danh hiệu được trao cho một cầu thủ đang đá ở hạng Nhất khi thủ môn Fabio Santos nhận giải Cầu thủ ngoại xuất sắc sau khi cùng thăng hạng chuyên nghiệp với đội GĐT.LA.
Năm 2002 cũng đánh dấu một bước chuyển mình đặc biệt của bóng đá Việt Nam. Sau năm 2001 khá kém cỏi thành tích, năm 2002 là thời điểm đánh dấu bóng đá Việt Nam chuyển sang thời kỳ chuyên nghiệp một cách rõ ràng nhất với sự tham gia V-League của GĐT.LA và HAGL. Đấy cũng là năm mà đội tuyển Việt Nam được “tái sinh” dưới bàn tay”phù thủy” Calisto với chiếc HCĐ tại Tiger Cup 2002, mở ra một chu kỳ phát triển mới để 6 năm sau, chính Calisto kết thúc bằng ngôi vô địch Đông Nam Á.
o0o
Nhưng điều đáng nói nhất của kỳ trao giải 2002 chính là cuộc chia tay của thế hệ vàng sau hồi ức Tiger Cup 2002 tuyệt đẹp. Chiếc HCĐ tại Indonesia chính là sự đóng góp cuối cùng của một thế hệ. Chúng ta hãy nhìn những cầu thủ đoạt danh hiệu năm 2002 thì biết. Đấy là một Lê Huỳnh Đức đã ở tuổi 30, Trần Minh Quang ở tuổi 29 và Huỳnh Hồng Sơn năm đó đã 33 tuổi. Đấy là lần duy nhất mà các danh hiệu cao quý nhất đều được trao cho những “ông già”, một cái kết đẹp cho thế hệ tài năng nhất mà bóng đá Việt Nam có được sau năm 1975 để rồi ở kỳ trao giải sau đó, năm 2003, là một thế hệ mới ở độ tuổi U-23.

Thủ môn Kim Hồng (TPHCM) lần đầu tiên nhận Quả bóng vàng năm 2002.
Xét ở một góc độ hẹp hơn, đấy cũng là kỳ trao giải cuối cùng mà bóng đá TPHCM được tôn vinh gần như là trọn vẹn sau khi Cảng Sài Gòn vô địch V-League 2002 và Ngân hàng Đông Á (tiền thân là CA TPHCM) về hạng 3. Sau khi đoạt danh hiệu QBV, vài tháng sau Lê Huỳnh Đức chia tay bóng đá Sài Gòn để ra Đà Nẵng còn Huỳnh Hồng Sơn ngậm ngùi cùng Cảng Sài Gòn xuống hạng để kết thúc một cái tên huyền thoại. Từ đó đến nay, không còn một đại diện nào của làng cầu danh tiếng này được tôn vinh ở 3 vị trí cao nhất của giải thưởng QBV Việt Nam nữa cho đến tận kỳ trao giải năm rồi khi Kesley Huỳnh của Sài Gòn FC nhận QBĐ.
Thấm thoát đã 10 năm trôi qua kể từ kỳ trao giải ấy để một lần nữa, có thể bóng đá Việt Nam sẽ rẽ sang một hướng mới sau khi cũng đã kết thúc một thế hệ khác…
Đăng Linh
HLV TRẦN CÔNG MINH:“KÝ ỨC NGÀY XƯA CÒN ĐẬM LẮM”
Đã ở cái tuổi 43, qua rồi thời anh còn là cầu thủ bước lên bục nhận các danh hiệu Quả bóng vàng, bạc, đồng như hồi những năm 1996-1999, vậy mà giọng Trần Công Minh lại vui lên khi nhắc đến ký ức của ngày xưa: “Tôi còn nhớ ngày lên nhận những giải thưởng này thời đó, dù là vàng, bạc, hay đồng cũng đều hạnh phúc. Thật xúc động, vì cả một đời cầu thủ phấn đấu, những công sức mình bỏ ra đã được ghi nhận thì chẳng niềm vui nào bằng. Đó sẽ là động lực để thế hệ cầu thủ ngày xưa của chúng tôi chơi tốt hơn. Dù bây giờ chẳng còn chạy trên sân cỏ, nhưng nói thật lòng mình là Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức bầu chọn các giải thưởng này làm nhiều thế hệ anh em cầu thủ vui lắm và đáng quý hơn là đã 17 năm trôi qua với bao khó khăn, nhưng vẫn duy trì được. Cũng nói thêm, vừa rồi tôi có nghe thông tin là không trao giải Quả bóng vàng cho nam cầu thủ, tôi thấy thiếu thiếu làm sao đó. May là cuối cùng giải thưởng đó vẫn có, tôi nghĩ đó là quyết định đúng đắn của BTC giải”. Công Minh chia sẻ.
Bóng đá giống như cuộc đời, những hỉ, nộ, ái, ố cứ giăng mắc, đan xen mà ta phải trải qua. Và giải thưởng “Quả bóng vàng” từ năm 1995 đến giờ cũng thế, nhiều lúc gặp thuận lợi mà cũng lắm khi có trắc trở. Mà những thời điểm đó, chúng ta cần chung tay vì cầu thủ sẽ thật hạnh phúc khi nhìn lại những ngày lao động miệt mài trên sân cỏ.
ĐỨC DŨNG (ghi)
QBV VÀ CHỨC VÔ ĐỊCH QUỐC GIA
Trong lịch sử, đáng ngạc nhiên là chỉ có 4 cầu thủ giành được danh hiệu Quả bóng vàng đúng vào năm mà CLB họ khoác áo cũng giành được chức VĐQG. Đó là Lê Huỳnh Đức cùng CA TPHCM năm 1995, Nguyễn Hồng Sơn cùng Thể Công năm 1998, Võ Văn Hạnh cùng SLNA năm 2001, Phan Văn Tài Em cùng ĐT.LA năm 2005. Thống kê trên có cho thấy sức ảnh hưởng của thành tích đội tuyển quốc gia quyết định thế nào đến lá phiếu người bầu chọn. Đó là lý do mà năm 2012 này việc bầu chọn gặp rất nhiều khó khăn sau thất bại của đội tuyển tại AFF Cup 2012.
Điều này càng được khẳng định hơn khi Lê Công Vinh 3 lần đoạt danh hiệu cao quý ở những năm mà CLB SLNA của anh không có mặt trong tốp 3 đội mạnh nhất Việt Nam. Tiêu biểu hơn nữa đó là 2 lần đoạt QBV của Phạm Thành Lương. Năm 2009, tiền vệ của HN ACB được vinh danh dù đó là năm mà đội của anh đá ở giải… hạng nhất. Đến năm 2011, Thành Lương nhận QBV ở năm mà đội ACB của anh nhận vé xuống hạng (sau đó mới nhập cùng Hòa Phát Hà Nội để trụ hạng).
V.Long