Hôm qua, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rất rõ ràng: hãy vì quyền lợi người hâm mộ. Trong khi chờ đợi kết luận của đoàn Thanh tra về bản hợp đồng VFF-AVG, người hâm mộ có quyền được xem bóng đá trên truyền hình.
![]() |
Người hâm mộ sẽ được thoải mái xem truyền hình các giải bóng đá trong nước. Ảnh: Dũng Phương |
Lâu nay, khi người ta làm cái gì về bóng đá, bao giờ cũng “lôi” cái quyền lợi của người hâm mộ lên hàng đầu, vậy mà khi bắt đầu công việc nào đó, thì người hâm mộ vẫn là đối tượng thụ hưởng cuối cùng.
Nếu xem xét ngọn nguồn câu chuyện thì VFF, AVG và cả VPF đều chưa chắc đã nghĩ về người hâm mộ khi đấu tranh cho các quyền của mình về sở hữu bản quyền truyền hình. VFF thì bán tất tần tật cho AVG. VPF cũng đã nhăm nhe một hợp đồng trọn gói khác với VTV. Còn AVG, họ cho rằng kể từ khi ký kết với VFF, họ đã tăng số lượng trận đấu được trực tiếp gấp nhiều lần so với trước đó nhưng nếu trên thực tế, các đài địa phương không làm nhiệm vụ phục vụ cư dân bản địa thì chắc gì AVG đã có được những con số hoành tráng ấy.
Công bằng mà nói, đã là một đơn vị kinh doanh, cả VPF lẫn AVG đều muốn thu tiền từ truyền hình. Việc ấy đương nhiên không thể bàn cãi. Thế nhưng, thà họ cứ nói thẳng ra là “tôi bán, tôi thu tiền”. Đằng này, cứ bảo mình “phục vụ khán giả”.
Đúng. Thà cứ bảo là người hâm mộ trả tiền mới được xem, cho mọi thứ đơn giản. Bởi lúc đó, người xem có quyền đòi hỏi về chất lượng hình ảnh, điều kiện kỹ thuật và cả tên tuổi từng bình luận viên. Đằng này, bảo là “phục vụ” rồi muốn ghi hình kiểu nào cũng được, muốn nói gì trên sóng cũng được. “Phục vụ” mà như thế, khác gì bị ép phải xem.
o0o
Vì thế, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đi vào trọng tâm trong cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình. Trong bối cảnh chưa ai bảo đảm mình phục vụ tốt cho khán giả mà đã giành lấy quyền sở hữu.
Như chúng tôi đã từng đề cập, hiện các bên đang đòi bán cái mình không hề có. AVG chẳng dại gì khi “cho không” các đài việc truyền hình bởi điều đó giúp họ khỏa lấp sự non kém trong năng lực sản xuất và vẫn có thể thu được tiền quảng cáo. VPF tuyên bố mình sẽ làm tốt hơn AVG nhưng cho đến nay, ngoài việc giao lại cho VTV thì cũng chưa cho thấy động thái tích cực nào để… phục vụ khán giả. Cả 2 công ty trên, không phải là muốn “miễn phí” mà chẳng qua hiện tại, có bán bản quyền thì cũng chẳng ai mua. Vì sao không ai mua? Đơn giản vì chất lượng các trận đấu còn kém, kỹ thuật ghi hình còn yếu và khán giả vẫn chưa lấp đầy các sân vận động thì làm sao quan tâm đến truyền hình.
Còn nữa, trong cuộc tranh chấp nói trên, cũng chưa thấy bên nào đứng về quyền lợi của các CLB. Ưu thế tình cảm đang nghiêng về VPF chính vì lý do này. Các CLB là người chịu trách nhiệm trực tiếp, là người bỏ tiền ra nhiều nhất để có các trận đấu hay, vậy mà họ chẳng có tiếng nói gì trong bản hợp đồng đến 20 năm. Như chúng tôi đã từng đề cập, nếu chính các CLB tuyên bố họ không cần tiền mà chỉ cần phát sóng đầy đủ các trận đấu của họ thì AVG và VFF nghĩ như thế nào.
Thế nên mới khó hiểu cho bản hợp đồng 20 năm của VFF. Bây giờ thì AVG có thể miễn phí, có số trận đấu được trực tiếp nhiều nhưng cũng có lúc, họ sẽ chỉ phát vài trận trên các kênh độc quyền của họ vì lợi nhuận kinh doanh. Một khoảng thời gian dài như vậy, liệu VFF có tính nổi sự phục vụ khán giả của mình tiến triển ra sao không?
Hồ Việt