Nếu không mất Neymar, Brazil cũng có còn là Brazil đâu. Cho nên ở World Cup này, hãy lãng quên Brazil đi!
Vũ điệu Samba trước đoàn xe tăng Đức, nếu như ở cái thời mà Đức là Đức và Brazil là Brazil thì đây có thể xem là trận chung kết trong mơ của World Cup. Nhưng giờ đây mọi thứ đã khác. Đức trở nên… “ẻo lả”, không còn sức mạnh nền tảng của “hùm xám” thì Brazil mùa này lại trở chứng, thi đấu như đang gồng lên để chứng tỏ sức mạnh cơ bắp. Thành ra, mọi thứ đều có thể trở nên bi hài.
Giới phân tích nhìn nhận rằng bóng đá thực dụng lên ngôi, các HLV đều muốn chứng tỏ năng lực bằng chiến thắng chứ không bằng lối đá nữa. Lão già Scolari đâu phải người kém hào hoa, nhưng ông đã hướng Brazil đến trận bán kết bằng cái cách không hề hào hoa chút nào. Lẻ loi trong những chiến binh Brazil mùa này còn có được một Neymar khuấy đảo đối phương bằng các pha rê dắt khá cầu kỳ. Nhưng định mệnh đã đưa nghệ sĩ này về nhà vì một chấn thương không liên quan gì đến đôi chân. Và nó cũng đánh dấu chấm hết cho một phong cách đậm chất Nam Mỹ.
Không xa lắm, không cần nhắc đến thời của vua Pele, Brazil vẫn sở hữu những nghệ sĩ trên sân bóng. Bebeto, Zico, Ro “béo”, Ronaldinho, Rivaldo, Roberto Carlos, Kaka… những cái tên mà nhắc đến thì ai cũng nhớ như là các bậc thầy về kỹ thuật. Họ chơi bóng như đang trình diễn. Giữa tập thể là những ngôi sao thực thụ và các ngôi sao ấy biết tỏa sáng để nâng tập thể Brazil lên đẳng cấp cao nhất của bóng đá. Vậy mà chỉ trong vài năm, đội tuyển vàng xanh không còn sở hữu các ngôi sao tương tự, để rồi họ phải vay mượn lối đá mà… Mourinho hay áp dụng trong những trận cầu dưới cơ!
Có phải Brazil không còn sản sinh được tài năng? Chắc chắn không. Họ vẫn là một trong những đội bóng hàng đầu thế giới. Người dân Brazil vẫn cuồng nhiệt với bóng đá và tài năng bóng đá của họ vẫn còn vô tận. Chỉ có điều, những tài năng đó chưa đủ chín thì đã bị tác động mạnh bởi lối đá thực dụng châu Âu. Họ không còn dám rê dắt, không còn đất để phô diễn trình độ kỹ thuật cá nhân. Giữa lối đá phóng khoáng đầy ngẫu hứng với hợp đồng chuyển nhượng béo bở hàng chục triệu đô, họ buộc phải chọn việc từ bỏ lối đá mà châu Âu cho là quá cá nhân. Bi kịch ở chỗ khi từ bỏ sở trường thì sở đoản của họ đã sớm bị vùi dập.
Người yêu bóng đá đẹp thất vọng và không dám tin rạng sáng mai “Samba bạo lực” có thể vượt qua “xe tăng ẻo lả”. Lịch sử World Cup cho thấy chưa có chiếc cúp nào rời khỏi Nam Mỹ khi nó được tổ chức ở xứ sở này. Nếu không có một cuộc lật ngược nào, châu Âu vẫn không thể mang chiếc cúp ấy đi thì địa chỉ xứng đáng giữ nó hơn cả mùa này chỉ có thể là Argentina, nơi vẫn còn có Messi chưa bị đồng hóa bởi lối đá mang tên thực dụng.
PHƯƠNG NAM