Đó là lý giải một cách “lãng mạn” được các nhà phân tích đưa ra sau khi hàng loạt anh hào châu Âu, châu Á, châu Đại Dương bị khuất phục trước các đại diện châu Mỹ và châu Phi. Diễn biến kỳ lạ của World Cup năm nay một lần nữa khiến cho cái dớp lành ít dữ nhiều ở rừng Amazon đối với bóng đá cựu lục địa lại hiện về. Rồi sẽ còn ai thoát qua khe cửa hẹp để đương đầu với bóng đá châu Mỹ mùa hè này?
Khi Tây Ban Nha trở thành cựu vô địch và là một trong những đội bóng có vé về nước sớm nhất World Cup năm nay, người ta chỉ nghĩ rằng họ đã hết thời và cần phải làm mới chính mình trong tương lai. Đến Tam sư thất bại, lý do được nêu nhiều nhất do họ đang trẻ hóa đội hình. Rồi khi những chàng đẹp trai Italia xếp hàng về nước, chỉ có thể giải thích là… Pirlo xuống phong độ. Nhưng thảm họa chưa dừng lại.
Lần lượt Bosnia, Croatia, cả đội bóng của siêu sao CR7 hay những anh hùng của làng túc cầu châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… ngậm ngùi giã từ trái bóng sáu múi hay lầm lũi bước vào đường hầm sân vận động với những thất bại ê chề, người ta mới bắt đầu tin vào định mệnh. Rồi lấy định mệnh để giải thích cho sự thất bại thì có vẻ khá mơ hồ, chỉ còn cách “gán tội” cho thời tiết nóng nhiệt đới mùa hè. Với thời tiết, khó mà thay đổi được.
Quả thật, nguyên nhân này không phải không có lý. Ngay cả FIFA cũng thấy thương cho cầu thủ nên bổ sung quy định cho phép trọng tài có thể tạm dừng trận đấu ít phút ngoài nghỉ giữa hiệp nếu thấy các cầu thủ kiệt sức.
Dù quy định này chưa được trọng tài nào sử dụng và phần lớn trận đấu không có cầu thủ nào phải nằm cáng vì nắng, nhưng thi đấu lúc 1 giờ trưa ở một đất nước có đường xích đạo ngang qua quả là vượt ngoài sức tưởng tượng nhiều người. Ngược lại, Chile, Costa Rica, Mexico, Uruguay… những đội bóng châu Mỹ, châu Phi thường thường bậc trung trong làng bóng thế giới bỗng trở nên hoa mỹ một cách đầy thuyết phục.
Họ thi đấu với các tên tuổi lẫy lừng châu Âu giống như đá tập với đội bóng đàn em. Những đội lót đường ở khu vực châu Phi, châu Mỹ khi bốc thăm chia bảng giờ có quyền quyết định đến các suất tranh vé vớt của các đội khác. Thời tiết quả là lợi hại!
Nhưng có hoàn toàn do thời tiết mà hàng loạt đội bóng thi đấu như ru ngủ khán giả? Có lẽ không hẳn vậy. Người ta thấy thấp thoáng của tinh thần chủ quan ngự trị các đội bóng châu Âu. Premier League càng đắt giá, La Liga khuấy đảo làng cầu, Bundesliga ngày một quyền lực, và một Champions League trở thành cỗ máy xay tiền, đã khiến cho cầu thủ thấy mình đang trên đỉnh vinh quang.
Trong khi đó, các giải bóng đá Nam Mỹ hay châu Phi dần ít được quan tâm; cầu thủ giỏi đều ly hương đầu quân cho các CLB danh giá châu Âu. Họ thi đấu cật lực, học hỏi kinh nghiệm quý báu mang về nước. Vậy nên, cứ ngỡ cuộc “chảy máu” tài năng này là đòn rút ruột của bóng đá châu Âu dành cho tân thế giới, nào ngờ chính họ đã bị cú hồi mã thương ngã gục khi mới bắt đầu.
Gục ngã ở rừng nhiệt đới là cách nói đầy lãng mạn, nhưng nó cũng kịp cho thấy đã đến lúc bóng đá châu Âu cần nhìn lại mình, đừng để ánh hào quang làm chói lòa đôi mắt.
PHƯƠNG NAM