1. Thông tin từ CLB Sài Gòn cho biết, thay vì chỉ cần 25 tỷ đồng theo quy định, họ đã quyết định nâng vốn lên 100 tỷ đồng với sự tham gia của nhiều tập đoàn đa ngành lớn. Lý do: công ty quản lý đội bóng sẽ dùng tiền đầu tư kinh doanh một số lĩnh vực ngoài ngành và lấy lợi nhuận về “nuôi” đội bóng.
Hình thức này hoàn toàn không mới. Trước đây, bầu Đức từng cấp cho công ty bóng đá số vốn 30 tỷ đồng để đầu tư các trạm dừng chân trên quốc lộ 14 và sau này, là Học viện bóng đá HA.GL – Arsenal JMG. Chính vì thế mà khi cần, bầu Đức vẫn có thể sử dụng cổ phần của công ty bóng đá để thế chấp ngân hàng vay tiền phục vụ công việc kinh doanh của cho tập đoàn. Hoặc như Becamex Bình Dương cho đội bóng được sử dụng quyền kinh doang quảng cáo trên tuyến quốc lộ 13 đoạn đi ngang Thủ Đầu Một. Nói tóm lại, với các hình thức trên, CLB có nguồn tiền thật, có vốn để xoay sở kiếm tiền về phục vụ đội bóng.
Ngược lại, mô hình cổ phần của CLB Long An hay Đồng Tháp về mặt hình thức thì tương tự nhưng thực tế thì gần như là góp tiền tài trợ cho CLB đủ ngân sách hoạt động, đổi lại các cổ đông được quảng bá hình ảnh trên sân bóng. Nói cho dễ hiểu, đó không phải là dòng tiền có sẵn của đội bóng và rất dễ bị tác động bởi kết quả thi đấu. Trong trường hợp này, cổ đông mà rút vốn thì đội bóng chỉ biết… khóc.
![]() |
Hy vọng mô hình mà CLB Sài Gòn đang làm sẽ là một “lối thoát” cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Ảnh: Dũng Phương
2. Nói cho dễ hiểu, trước sau bóng đá không thể làm ra tiền và kiểu gì thì cũng phải có nguồn tiền lớn “chống lưng” thật ổn định. Nếu trước đây, các CLB dựa vào những ông bầu thì bây giờ, là mô hình cổ phần đại chúng. Hình thức thì khác nhau nhưng bản chất thì vẫn như cũ.
Và đây là lý do mà các đội bóng phía Bắc đang trỗi dậy mạnh mẽ so với khu vực phía Nam. Than Quảng Ninh, Thanh Hóa đều có những khoản tiền lớn của các ông bầu. Hải Phòng thì vẫn như trước, luôn có một ngân sách lớn từ địa phương hỗ trợ. Dù không còn sự mua sắm ồ ạt trên thị trường chuyển nhượng nhưng mỗi năm, các đội bóng vẫn “ngốn” trên 50 tỷ đồng. Số tiền đó, không thể có từ tiền tài trợ, quảng cáo được.
Sự sa sút của bóng đá Đồng bằng sông Cửu Long cũng từ đây mà ra khi khu vực này sau thời của Gạch Đồng Tâm thì chẳng có doanh nghiệp lớn nào “chống lưng” cho các đội bóng cả. Còn làm theo cách của Long An hay Đồng Tháp, Cần Thơ hiện nay, khó mà trụ lâu được khi nguồn tiền bị hạn chế, chỉ cần xuống hạng là… đi luôn.
Có lẽ, con đường mà CLB Sài Gòn đang đi sẽ là một “lối thoát” cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Khi đó, các công ty bóng đá sẽ phải có hoạt động kinh doanh riêng và được địa phương ủng hộ tối đa để tìm lợi nhuận tái đầu tư cho bóng đá. Hơn nữa, với phương án kinh doanh như vậy thì mới đủ khả năng thu hút được nguồn vốn lớn. Cái thời dùng bóng đá làm thương hiệu đã qua lâu rồi.
Hồ Việt