Giải vô địch U19 Đông Nam Á - Cúp Nutifood 2014: Sẵn sàng chờ giờ “G”

Các đội tham dự giải đã tiến vào vạch xuất phát để chuẩn bị cho ngày khai mạc vào chiều mai. Thoạt nhìn vào việc chia bảng, hẳn ai cũng thừa nhận bảng B “dữ dằn” hơn khi lá thăm vô tình đưa cả 2 khách mời Nhật Bản, Australia và chủ nhà Việt Nam vào cùng 1 bảng. Nhưng ở bảng đối diện, tình hình hẳn sẽ căng không kém khi có cả 3 đội mạnh trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, Myanmar và Indonesia.

Các đội tham dự giải đã tiến vào vạch xuất phát để chuẩn bị cho ngày khai mạc vào chiều mai. Thoạt nhìn vào việc chia bảng, hẳn ai cũng thừa nhận bảng B “dữ dằn” hơn khi lá thăm vô tình đưa cả 2 khách mời Nhật Bản, Australia và chủ nhà Việt Nam vào cùng 1 bảng. Nhưng ở bảng đối diện, tình hình hẳn sẽ căng không kém khi có cả 3 đội mạnh trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, Myanmar và Indonesia.

Bảng B: Chủ nhà thoải mái

Không thoải mái mới lạ khi mà bị rơi vào cùng bảng với Nhật Bản và Australia. Cũng chính việc bảng B  quá nặng như trên mà từ sau thất bại ở Brunei, HLV Graechen cũng kín tiếng hẳn, HLV người Pháp này có lẽ thừa hiểu “đá” sẽ bay tới tấp vào mình nếu lại tiếp tục những phát biểu có cánh khác. Quan trọng là những thể hiện trên sân trong những ngày tới.

Cuộc săn Cúp vô địch của đội U19 có thể vẫn còn… bất tận nếu họ không đánh giá đúng bản thân và đối thủ. Nhưng trước hết, từ thất bại ở Cúp Hassanal Bolkiah, U19 Việt Nam đang bị giảm kỳ vọng từ người hâm mộ và không chừng điều ấy sẽ giúp họ thoải mái hơn khi rơi cùng bảng với 2 đội quá mạnh.

Australia vốn còn đau từ trận thua cách biệt trước Việt Nam hồi năm ngoái nên họ thừa hiểu sẽ phải làm gì ở giải này. Trưởng đoàn Simon đã ra chỉ tiêu rất rõ ràng là phải thắng Việt Nam ở trận khai mạc, mà đội thắng trong trận này gần như đặt 1 suất ở vòng bán kết. Thực tế lịch thi đấu thì chưa hẳn Việt Nam “tắt đường” vào bán kết cho dù không thể thắng trận khai mạc. Bởi ở lượt sau đó, Australia sẽ gặp Nhật Bản mà có thể Nhật Bản sẽ nhọc sức trước khi gặp Việt Nam ở trận cuối. Đó là chưa nói đến thông tin Nhật Bản không đưa đội hình mạnh nhất tham dự giải này.

Khi vừa đến Hà Nội vào hôm qua, HLV Suzuki đã có nhận định thận trọng khi đánh giá cao sự tiến bộ của đội chủ nhà trong thời gian qua. Với đội Nhật Bản, ông nhận xét: “Giải này rất quan trọng để chúng tôi kiểm tra cho VCK Giải U19 châu Á. Nếu đoạt chức vô địch thì quá tốt, còn nếu không thì cũng không quá nghiêm trọng bởi mục tiêu của chúng tôi là số 1 châu Á”.

Hai đối thủ cùng bảng của U19 Việt Nam khá thoải mái trong buổi tập đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: Minh Hoàng)

Bảng A: Myanmar - Không còn là ẩn số

Bấy lâu nay, các tuyển trẻ trong khu vực giới chuyên môn thường xếp Thái Lan ở đầu, sau đó là đến Malaysia, Indonesia, Việt Nam… còn Myanmar ở vào nhóm thứ ba. Tuy nhiên, qua giải mời tại Brunei vừa qua, Myanmar cho thấy sự tiến bộ rất nhanh của họ qua những thể hiện ấn tượng từ đầu đến cuối giải. Nhất là trận thắng Malaysia ở bán kết và sau đó là chiến thắng đã buộc thầy trò HLV Graechen phải tâm phục khẩu phục.

Myanmar đã không còn là ẩn số nữa, nhất là sau khi Myanmar vô địch Cúp Hassanal Bolkiah, người ta mới nhìn lại quá trình tập luyện trước đó của họ thì mới giật mình khi Myanmar từng thắng Nhật Bản 1-0 hồi tháng 4-2014. HLV trưởng người Đức, Gerd Hort cho biết lực lượng của Myanmar không có thay đổi so với giải ở Brunei, chủ yếu là tiếp tục rèn quân cho VCK Giải vô địch U19 châu Á 2014 mà Myanmar là nước chủ nhà.

Trong khi Myanmar tỏ ra kín tiếng thì Thái Lan, đội đặt chân đến Hà Nội vào sáng qua đã tỏ ra… nôn nóng hơn. Họ nôn nóng gặp lại Việt Nam để đòi lại món nợ vừa thua ở Cúp Hassanal Bolkiah. Và dĩ nhiên, việc quyết tâm tái đấu với Việt Nam cũng chẳng khác nào một cách nói khéo của trưởng đoàn Somsak là sẽ vào đến bán kết.

Bảng A được xem là bảng đấu của những nhà vô địch khi Thái Lan đang có 3 lần đăng quang vào các năm 2002, 2009 và 2011. Trong khi đó hai đội còn lại cũng đã 1 lần lên ngôi vào các năm 2005 (Myanmar) và 2013 (Indonesia). Ở bảng B, Việt Nam cũng đã 1 lần vô địch vào năm 2007. Nhưng cũng không thấm bằng Australia với 3 lần vào những năm 2006, 2008 và 2010. Giải lần nay duy nhất khách mời Nhật Bản là chưa vô địch, nhưng đối thủ này lại “dữ dằn” nhất trong số các đội dự giải.

Quốc Cường

Tin cùng chuyên mục