Giải bơi lội VĐTG cũng đã có những điểm sáng, sau hàng loạt lùm xùm quanh việc các kình ngư phương Tây tẩy chay và phủ nhận các chiến thắng của VĐV bơi lội tai tiếng người Trung Quốc, anh Sun Yang.
Ở trong ngày thi đấu thứ 4, có đến 2 chiến thắng rất đáng nhớ tại Trung tâm thể thao dưới nước của Trường Đại học Nambu. Thứ nhất, Federica Pellegrini giành 1 trong những ngôi VĐTG cuối cùng trong sự nghiệp của mình, ở nội dung 200m tự do nữ. Thứ hai, Milak lần đầu giành ngôi VĐTG, và phá luôn kỷ lục thế giới 10 năm tuổi của Phelps.
Hồi năm 2009, ở Giải bơi lội VĐTG diễn ra tại Rome (Italia), Phelps đã thiết lập được kỷ lục thế giới với thành tích kiểu “không tưởng”, nếu xét về trình độ của các VĐV ở vào thời điểm đó.
Anh đã tạo ra một cột mốc thành tích khó tin trong nội dung 200m bướm là 1 phút 51 giây 51. Kỷ lục thế giới khi đó của Phelps, được trợ lực không nhỏ bởi bộ đồ bơi công nghệ cao Speedo, mà sau đó chính FINA (Liên đoàn bơi lội quốc tế) phải cấm không cho các kình ngư sử dụng bộ đồ bơi này, vì nó giúp cho các KTLG ra đời quá nhiều và quá dễ dàng.
Từ đó trở đi, đã 10 năm trôi qua, cái KLTG ngày nào vẫn đứng sừng sững ở đó, quyết “thi gan cùng tuế nguyệt”, dù rằng Phelps đã giải nghệ từ 3 năm nay, sau Olympic Rio de Janeiro trên đất Brazil hồi năm 2016.
Nhưng cuối cùng thì, Phelps cũng đã có truyền nhân của mình, dù rằng đó là một “truyền nhân ngoại quốc”. Milak đã trở thành người đầu tiên phá được 1 trong những KLTG mà Phelps đang sở hữu tại giải đấu ở Gwangju. Đường đua xanh ở Hàn Quốc, giờ đây mới dậy sóng theo đúng nghĩa đen của nó…
Bơi ở làn bơi số 4, Milak có cú lấy đà trên thành hồ không thật hoàn hảo, dẫn đến việc anh xuất phát không tốt. Đó là lý do, ở cột mốc 50m, rồi 100m đầu tiên, chính Chad le Clos (kình ngư khét tiếng người Nam Phi, người nổi lên trước Milak rất lâu, từng giành 5 HCV ở các kỳ giải VĐTG, và HCV ở Olympic London 2012, trong các nội dung 100m và 200m bướm, và từng thắng đến 10 HCV ở các kỳ giải VĐTG hồ ngắn 25m) mới là người liên tục dẫn đầu. Tuy vậy, ở cột mốc 150m, Milak đã chiếm lấy vị trí dẫn đầu.
Vậy thì, Phelps nghĩ gì khi đã có KLTG đầu tiên bị “đàn em” cho vào “viện bảo tàng”? “Siêu kình ngư đã giải nghệ” hào hứng cho biết trên The New York Times, sau khi xem trực tiếp vòng bơi chung kết ở nội dung 200m bướm trên live-stream internet: “Trong khi đang cảm giác thất vọng khi chứng kiến kỷ lục bị phá, tôi lại không thể hạnh phúc hơn vì được chứng kiến cậu ấy tạo ra điều này. 100 mét bơi cuối cùng của cậu nhỏ đó thật không thể tin nổi. Cậu ấy đã kết hợp tốt 200 mét bơi bướm từ đầu cho đến cuối”.
“Khi tôi quay lại và nhìn vào bảng thành tích, tất cả mọi áp lực, tất cả sự căng thẳng đã tuột khỏi đôi vai của tôi, và niềm vui đã vỡ òa”, chàng trai theo đuổi môn bơi lội từ năm 14 tuổi, nhưng vẫn muốn tập trung vào các cự ly 200m và 400m nhiều hơn vì thiếu sức mạnh và khả năng xuất phát nhạy bén, hạnh phúc cho biết, “Quả là một vinh dự cực kỳ khủng khiếp khi lập ra một KLTG tuyệt vời đến như vậy. Tôi đã cố ngắt mạch mọi thứ, cố không nghĩ đến bơi lội để tập trung hoàn toàn cho cuộc thi. Thật tuyệt vời”.
Thật ra, KLTG của Michael Phelps ở nội dung 200m bướm không chỉ có 10 năm tuổi, mà có đến 18 năm tuổi, nếu tính cả triều đại của anh này. Phelps giành tấm HCV và KLTG đầu tiên ở Giải bơi lội VĐTG 2001 (diễn ra tại Fukuoka, Nhật Bản). Anh đã đạt thành tích 1 phút 54 giây 58 ở vòng bơi chung kết của nội dung 200m bướm, và ở tuổi 15, anh trở thành kỷ lục gia thế giới trẻ tuổi nhất trong lịch sử. Vào thời điểm đó, Ian Thorpe vẫn đang “tung hoàng 4 bể”, thắng đến 6 tấm HCV (3 HCV cá nhân). |
Cũng trong ngày hôm qua, Pellegrini giành được chiến thắng cực kỳ đáng nhớ. Nữ kình ngư “già chát”, người đã kinh qua 4 kỳ giải Olympic (từ Olympic Athens 2004 cho đến nay) và đã góp mặt ở 6 mùa giải VĐTG, giành tấm HCV ở nội dung 200m tự do khi đánh bại Ariarne Titmus (Úc) và Sarah Sjostrom (Thụy Điển) với thành tích 1 phút 54 giây 22. Cô cho biết: “Tôi không buồn, tôi đang rất hạnh phúc”, Pellegrini sung sướng cho biết, “Tôi hạnh phúc vì đây là kỳ giải VĐTG tuyệt vời, kỳ giải VĐTG cuối cùng của tôi”.