Giá trị thật - ảo

Việc giải V-League chỉ còn xếp thứ 3 Đông Nam Á, quan trọng hơn là từ hạng 41 năm 2009 đến nay chỉ còn đứng hạng 87 trong bảng xếp hạng của Liên đoàn thống kê và lịch sử thế giới (IFFHS), đã cho thấy bóng đá Việt Nam “sống” lâu trong những giá trị ảo như thế nào. Vậy nhưng, có người còn khẳng định, có mặt trong Top 100 vẫn còn là “ảo”, lẽ ra V-League còn không nên được xếp hạng mới đúng.

Việc giải V-League chỉ còn xếp thứ 3 Đông Nam Á, quan trọng hơn là từ hạng 41 năm 2009 đến nay chỉ còn đứng hạng 87 trong bảng xếp hạng của Liên đoàn thống kê và lịch sử thế giới (IFFHS), đã cho thấy bóng đá Việt Nam “sống” lâu trong những giá trị ảo như thế nào. Vậy nhưng, có người còn khẳng định, có mặt trong Top 100 vẫn còn là “ảo”, lẽ ra V-League còn không nên được xếp hạng mới đúng.

Tất nhiên, chúng ta sẽ không tranh luận về chuyện này bởi muốn hay không thì quyền xếp hạng là của IFFHS, một tổ chức có uy tín lớn, đặc biệt là chuyên môn. Nhưng ý kiến trên cũng không hẳn là thiếu căn cứ.

V-League được đưa vào bảng xếp hạng kể từ năm 2008 là nhờ thành tích của các CLB Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Theo cách nhìn về chuyên môn, năng lực của một giải đấu nằm ở khả năng cạnh tranh trên đấu trường quốc tế. Một giải vô địch quốc gia mạnh thì đương nhiên sẽ có các CLB mạnh và cũng đương nhiên, sẽ có một đội tuyển quốc gia mạnh. Thời điểm mà V-League lọt vào Top 50 trùng với thời gian Bình Dương chơi tốt tại AFC Cup. Trên thực tế, đấy cũng là thời điểm phát triển mạnh nhất của V-League. Rõ ràng, cách tính toán của IFFHS sát với thực tế. Vậy nên, khi chúng ta rơi xuống hạng 87, ấy cũng là câu trả lời rõ nhất cho cái gọi là “bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam”. Lẽ ra phải càng ngày càng tăng hoặc chít ít cũng giữ hạng hoặc tụt có chừng mực, đằng này là “rơi” thê thảm. Rõ ràng, V-League hoàn toàn không có nền tảng gì cả.

***

Nói cách khác, những gì IFFHS công bố là thật nhưng vẫn là “ảo” với bất kỳ ai hiểu đúng về bóng đá Việt Nam. Suốt cả chiều dài của V-League, đều có thể bị xét là “ảo” hết. Phần “thật” nhất, có lẽ chính là trước khi ra đời V-League, tức là giải vô địch trước kia, nơi mà bóng đá Việt Nam không được xếp hạng.

Một trong những điều “thật” ấy vừa được tái hiện ở trận cầu từ thiện tại Cao Lãnh, trận đấu giữa cựu cầu thủ Đồng Tháp và Công an TPHCM, một trong những thành phần ưu tú nhất của lứa cầu thủ “thế hệ vàng”. Trong thời điểm mà V-League đang rơi xuống hố sâu, trận đấu tái hiện chung kết mùa giải 1996 gợi lên nhiều điều đáng suy ngẫm.

Nhìn dàn cựu cầu thủ 2 đội, chúng ta thấy quá nhiều điều. Thứ nhất, tại sao thể hình cầu thủ Việt ngày đó tốt thế? Thứ hai, tại sao 2 đội bóng lọt vào chung kết ngày đó lại có chất lượng đồng đều đến thế. Hãy nhớ rằng, gần một nửa cựu cầu thủ đó đã và đang làm công tác huấn luyện. Họ đã thành công từ cầu thủ cho đến suốt một quá trình sau này. Họ đã sống với nghề của mình một cách “sòng phẳng” và chất lượng. Họ cho thấy, cầu thủ ngày đó mà đã giỏi thì nhất định sẽ giỏi thật chứ không có chuyện tiền chuyển nhượng thì cao nhưng giá trị sử dụng thì chẳng ra gì như hiện tại.

***

Và điều cuối cùng: Có những thứ không được xếp hạng nhưng là thật và có những điều dù có thứ hạng này nọ, nhưng chỉ là ảo. Một nền bóng đá muốn phát triển phải dựa trên các giá trị thật chứ đừng mãi mơ tưởng về các giá trị phù phiếm.

Nói điều này để nhắc nhớ các quan chức VFF rằng: dù có cử đội U22 đi đá vòng loại Asian Cup đi nữa thì đó không phải là cách chúng ta chuẩn bị cho tương lai. Tốt hơn, nên cứ cử đội tuyển quốc gia đi đá, dù thất bại đi nữa, cũng là cách để nhìn thấy giá trị thật của một làng cầu. Thật nguy hiểm nếu chúng ta đưa đội U22 đá, rồi thua, rồi lại “đổ thừa” đó là “trải nghiệm đáng quý cho cầu thủ trẻ”. Xin nhớ rằng: trẻ hay già đi nữa thì cũng chỉ là sản phẩm của một nền bóng đá mà thôi. Đừng vội hy vọng thời gian trôi qua, các cầu thủ trẻ ấy sẽ khá hơn đội lớn của hiện tại. Cái nền đã yếu, xây thứ gì trên đó cũng chẳng thể vững chắc. 

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục