Thật không thể tin nổi là kế hoạch trong năm 2014 của VFF không nói gì về mục tiêu của đội tuyển quốc gia tại AFF Cup 2014. Dường như với VFF, đội tuyển quốc gia không còn hy vọng gì. Theo chúng tôi, đó là một sai lầm.
Tệ đến mấy, cũng là đội tuyển Quốc gia
Đấy là nguyên tắc tối thượng. Dù tệ đến mấy, dù là tuổi bình quân trẻ hay già, dù được yêu mến hay không, vẫn là ĐTQG và VFF buộc phải có trách nhiệm với nó.
Đấy là chưa nói, năm nay có AFF Cup. Xét cả về ngắn hạn lẫn lâu dài, giải đấu vô địch Đông Nam Á này vẫn là mục tiêu bắt buộc phải đặt trong tâm của bóng đá Việt Nam. Không chỉ trong các năm chẵn (có AFF Cup) mà cả những năm lẻ để tạo tiền đề cho tham vọng vô địch. Đúng là phải vô địch bởi với trình độ hiện nay của bóng đá Đông Nam Á, dù đang đứng hạng 4 hoặc hạng 5, thì mục tiêu của Việt Nam vẫn phải là vô địch. Không lẽ theo VFF, chúng ta còn mục tiêu nào khác?
Đấy là chưa nói, ĐTQG nào cũng có kế hoạch thi đấu suốt năm. Đâu có thiếu trận đấu, cũng chẳng thiếu mục đích để một ĐTQG thử sức, thi tài. Vấn đề là VFF có muốn hay không mà thôi. Và hình như, họ không muốn.
![]() |
Tại AFF Cup 2012 tuyển Việt Nam đã có thất bại nặng nề sau 3 trận đấu. Ảnh: Nguyễn Nhân |
“Để dành” cho U.19 ư? Đừng dại!
Bất kỳ một đội tuyển quốc gia tử tế nào, thì độ tuổi để được xem là trẻ cũng phải 25-26 tuổi, đẹp nhất là 27-28. Chỉ khi nào độ tuổi bình quân nằm ở mức 29-30 mới gọi đó là đội của những lão tướng. Xin nhắc lại, đây là tiêu chuẩn chung của bất kỳ đâu, ở bóng đá đỉnh cao hay nghiệp dư, làng nhàng.
Nếu chúng ta xét trên tiêu chí đó, thì muốn để U19 bây giờ có thể góp mặt tại ĐTQG thì cũng phải ít nhất 8-10 năm nữa. Quãng thời gian đó có thể làm thay đổi nhiều thứ. Và quan trọng hơn, từ nay đến đó, cũng vẫn phải luôn tồn tại một ĐTQG.
Thế nên đừng dại dột cho rằng thôi thì trong vòng 8-10 năm tới, cứ chấp nhận quên chức vô địch AFF Cup đi để chờ U.19 “báo thù, rửa hận”. Chúng ta tiến lên, không lẽ đối thủ đứng đó nhìn chúng ta qua mặt.
Đấy là chưa nói, lứa U19 hiện nay chắc gì đã thành công sau chừng ấy năm. Không phải chúng ta không tin các cầu thủ của bầu Đức nhưng bóng đá luôn khắc nghiệt, cuộc sống còn khắc nghiệt hơn, hãy để thời gian trả lời.
VFF, đừng đuổi hình bắt bóng
Có rất nhiều điều sai lầm, từ chính VFF, dẫn đến thất bại của đội U23 tại SEA Games và ĐTQG tại AFF Cup 2012. Đổ hết lỗi cho các cầu thủ hay chất lượng của V-League là phi lý.
Dù không sản sinh thêm nhiều cầu thủ giỏi, nhưng V-League vẫn là một sân chơi có tính cạnh tranh rất lớn và cầu thủ đá ở đó, là những người dày dạn kinh nghiệm, cứng cỏi về năng lực. Họ cần được trao cơ hội để lấy lại hình ảnh cho chính mình và cả ĐTQG.
Nếu chúng ta chưa thể chỉnh sửa được hệ thống đào tạo, phải chờ đợi một thế hệ mới như U19 hiện nay, thì trước mắt phải sửa chữa những sai lầm của VFF trong kế hoạch thi đấu và tuyển chọn HLV cho đội tuyển.
Một khi việc dùng HLV nội đang đi vào bế tắc, hãy mạnh dạn chọn HLV nước ngoài. Nếu đã chọn, hãy làm thật nhanh bởi V-League đã khai diễn và tân HLV cần có thời gian để chọn cầu thủ. VFF hãy đầu tư cho ĐTQG một cách tử tế và hãy làm như đã làm trong năm 2008.
Khi đó, đội bóng của ông Calisto đá 10 trận giao hữu và đều là giao hữu chính thức. Không có một chiến thắng nào nhưng đổi lại, họ đã thay đổi toàn diện khi vào thi đấu AFF Cup 2008.
Hồ Việt