Đừng quá ngắn hạn

Không dự vòng loại Olympic

Tin vui là bóng bàn nữ và nam đã thi đấu giải VĐTG 2016 (tổ chức ở Malaysia) để cọ xát chuyên môn. Tiếc rằng, cuộc đấu trên là một trong hai giải quốc tế quan trọng nhất năm 2016 ở môn này đối với cấp độ ĐTQG.

Vẫn chưa có một chiến lược dài hơi dành cho các tay vợt triển vọng như Nguyễn Thị Nga. Ảnh: Nhật Anh

Không dự vòng loại Olympic

Tìm hiểu về kế hoạch của bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT), tới đây, các VĐV của Việt Nam sẽ không dự vòng loại Olympic để tranh suất dự Olympic 2016. Kỳ Olympic 2012 trước, khu vực Đông Nam Á có vòng tuyển chọn được xét suất từ thi đấu vô địch Đông Nam Á nhưng năm nay, liên đoàn bóng bàn thế giới chỉ chấp nhận một đợt xét suất duy nhất là vòng loại của châu Á tổ chức tháng 4 ở Hongkong – Trung Quốc. Dù ban đầu, chúng ta dự liệu sẽ đi dự vòng loại.

Thế nhưng, việc tham dự đã bỏ qua để bóng bàn tập trung cho nhiệm vụ khác. Hẳn nhiên, cơ hội giành suất trực tiếp dự Olympic của VĐV bóng bàn Việt Nam đang dần khó vì khoảng cách trình độ. Nhưng việc VĐV sẽ không thi đấu vòng loại là điều tiếc với bản thân những tay vợt có thể được góp mặt. Như vậy, trong 2 kỳ Olympic liên tiếp là 2012 và 2016, bóng bàn Việt Nam “trắng” suất dự ngày hội lớn nhất của thể thao thế giới. Lần gần nhất chúng ta có VĐV vượt qua vòng loại dự Olympic là năm 2008 với trường hợp cựu tay vợt Đoàn Kiến Quốc.

Ngay khi nhóm VĐV dự giải VĐTG 2016 trở về, tất cả được về lại địa phương để tập trung cho giải VĐQG. Họ chỉ còn một cơ hội cọ xát quốc tế trong năm là giải vô địch Đông Nam Á 2016. Những gì được tung hô là chiến tích lịch sử và cần sự đầu tư hơn vào bóng bàn sau khi VĐV có kết quả ở giải VĐTG 2016 vẫn còn đó. Thế nhưng, bóng bàn là môn thi đấu cần thực tế cọ xát mới nâng cao chất lượng nhưng VĐV chỉ được dự giải quốc tế nhỏ giọt thì đúng là thành tích chung khó nâng tầm được. Bộ môn đã kêu khó vì ngân sách rót về hoạt động trong năm chỉ 30.000 USD (gần 700 triệu đồng). Môn này vẫn có liên đoàn đang hoạt động song song nhưng bộ phận phụ trách tài trợ gần như không hiệu quả.

Nên đánh giá thực chất

Trao đổi với cựu HLV trưởng ĐTQG và trưởng bộ môn bóng bàn – ông Nguyễn Đức Long sau giải VĐTG 2016, ông đã phân tích khá rõ đó là xét về mặt bằng chung đúng là vui thật vì đạt được những trận thắng tại giải VĐTG. Nhưng, “chúng ta phải nhìn thực tế là VĐV được phân vào nhóm 2 tức là những đội ở tầm trình độ như nhau và các tay vợt của Việt Nam gần như không mới nên chiến thắng không quá bất ngờ. Bóng bàn Việt Nam và nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đừng nghĩ những đối thủ tại châu Á là đối thủ chính của mình. Các đội ở châu Âu, châu Mỹ Latin, châu Phi đang ngày càng đầu tư mạnh và có con người tốt nên họ có trình độ cao không kém”, ông Long cho biết.

Bóng bàn muốn VĐV phát triển là phải ra nước ngoài trui rèn. Bây giờ, chờ vào ĐTQG sẽ khó. Mỗi VĐV trong may mắn của mình khi về lại đơn vị chủ quản được đi tập huấn nước ngoài một thời gian để chuẩn bị cho giải VĐQG. Đấy mới là lúc họ có thể tích lũy thêm nhiều kỹ, chiến thuật. “Những VĐV như Kiến Quốc hay Mỹ Trang là của hiếm của Việt Nam. Sau họ có ai có tố chất như vậy thì chưa thấy. Để phát triển đầu tư nâng tầm chung thì tôi nghĩ nằm ở chiến lược cùng đầu tư tài chính của lãnh đạo”, ông Long chia sẻ thêm.

Bóng bàn hiện đang có hai doanh nghiệp đầu tư làm đội riêng là Petrosetco (thuộc Tập đoàn Dầu khí VN) và Hà Nội T&T. Tuy nhiên, mức đầu tư vẫn rất cầm chừng và không thể đưa VĐV đi nước ngoài tập dài ngày theo mong mỏi người làm nghề.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục