
Một câu hỏi quan trọng như thế nhưng ít khi thấy VFF giải thích một cách cụ thể, rõ ràng và trực tiếp khi họ vẫn cứ nghiêng sự chọn lựa về phía các chuyên gia nước ngoài. Lương trả cao hơn, quản lý khó hơn nhưng kết quả thì… như nhau: Ông thầy ngoại nào cũng sẽ ra đi nếu không đạt thành tích.
Đừøng vội so sánh tại sao lương bổng của HLV ngoại lại cao gấp mấy lần HLV nội. Dù sao, cũng cần nên tính vấn đề tỷ giá giữa các đồng tiền cũng như sự thiệt thòi về mặt cuộc sống mà một HLV ngoại phải chấp nhận khi đến Việt Nam. Nói cách khác, bản thân vị chuyên gia đó không có vấn đề gì khi nhận tiền lương cao.
Chúng ta vẫn hay hiểu nôm na: tiền nào, của đó. Ưu tiên và sẵn sàng trả lương cao cho HLV ngoại, hẳn nhiên chúng ta chờ đợi ông ấy sẽ đem đến sự khác biệt so với HLV nội. Nhưng nếu dựa trên các tiêu chí “kén rể” của VFF thì chẳng thấy bất kỳ sự khác nhau nào giữa ngoại và nội cả nếu không nói, các HLV chúng ta còn vượt xa ở những tiêu chí như “am hiểu”, “thông thuộc”…
Nếu bất kỳ HLV ngoại nào đến Việt Nam cũng sẽ bị sa thải nếu không đạt chỉ tiêu thì ai làm mà chẳng được. Chẳng qua, dùng “ngoại” thì có cảm giác an tâm hơn mà thôi. Cái kiểu an tâm một cách mơ hồ nhờ cái “mác” nước ngoài chứ cũng chẳng biết trình độ của vị tân HLV ấy đến đâu cả.
Trong khi có một tiêu chí mà ở bất kỳ ngành nghề nào khi tuyển dụng một chuyên gia nước ngoài đều đưa ra, đó là áp dụng tư duy của người phương Tây để xây dựng một cách làm việc trình độ cao, thì lại không thấy VFF đề cập.
Cứ cho rằng HLV ngoại thì có thể tài giỏi hơn HLV nội nhưng việc chúng ta yêu cầu họ làm cái gì cho xứng với đồng tiền mình bỏ ra mới là điều quan trọng. Chứ giỏi hơn, tư duy cao hơn mà chỉ để phục vụ mục đích ai cũng có thể làm được thì liệu có cần thiết không?

Nền tảng và lối chơi dưới triều đại HLV Calisto được xem là khá ổn, nhưng với một ông thầy ngoại khác, có lẽ sẽ phải thay đổi theo tư duy mới. Ảnh: Quang Thắng
Chúng ta đã có một nền tảng về lối chơi và cách chọn lựa con người khá ổn dưới triều đại của ông Calisto. Nhưng nếu chúng ta chọn một HLV nước ngoài mới, nghĩa là sẽ chấp nhận rủi ro ông thầy này sẽ thay đổi hết. Nghĩa là công sức và tiền lương mà VFF đã trả cho ông Calisto sẽ trở nên vô ích. Đấy là chưa nói, những thay đổi của tân HLV có thành công hay không? Hay lại phải xóa đi, làm lại với một người khác.
Không thể phủ nhận cái nổi trội của một chuyên gia ngoại đó là việc họ dám thay đổi, có tầm nhìn xa hơn nhờ tư duy cấp tiến. Alfred Riedl từng dựng nên cả một thế hệ 2003 mới tinh để thay cho thế hệ vàng. Calisto đưa một loạt cầu thủ từ sự vô danh ra ánh sáng và thiết lập một cách chơi bóng khá phù hợp với người Việt. Nhưng họ đến rồi sẽ đi. Những gì họ làm, rồi phải do chính bóng đá Việt Nam tiếp nhận và phát triển. Vấn đề là hiện nay, VFF không có bộ phận nào để làm điều đó trong khi cứ hùng hục đi tìm một ông thầy mới với nhiều tiêu chí cũ kỷ.
Đã qua cái thời bóng đá Việt Nam có được sự giúp đỡ từ các chuyên gia do FIFA giới thiệu như Weigang, Rainer Willfeld. Giờ đây, VFF tự trả lương, trả cao và áp đặt công việc theo cách một “ông chủ”. Như vậy, bản thân tổ chức này phải có một tư duy mới. Thay vì đưa ra những tiêu chí, cần phải có thêm một loạt yêu cầu mà một HLV ngoại phải - làm - cho - bóng - đá - Việt.
Thành tích trong công việc là một chuyện, kết quả làm việc của khoảng thời gian trên hợp đồng lại là chuyện khác. Không thể cứ đưa chỉ tiêu vô địch vào hợp đồng mới thể hiện được cái Uy của một “ông chủ”. Điều quan trọng là phải biết chắc họ làm được gì mới thực sự là đúng tầm của VFF.
Hồ Việt