Dư luận có quyền hoài nghi!

Vấn đề đăng cai Asian Games 2019 đã kinh động đến mọi tầng lớp xã hội ở Việt Nam, đa phần là hoài nghi về năng lực thực sự của ngành TDTT, về tính toán huy động nguồn vốn chưa hợp lý của giới chức ngành...

Vấn đề đăng cai Asian Games 2019 đã kinh động đến mọi tầng lớp xã hội ở Việt Nam, đa phần là hoài nghi về năng lực thực sự của ngành TDTT, về tính toán huy động nguồn vốn chưa hợp lý của giới chức ngành...

 

Dư luận có quyền hoài nghi! ảnh 1 Trước thông tin về việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra ý kiến nên cân nhắc rút lui không tổ chức Asiad 18 (diễn ra năm 2019), ngày 31-3, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng Bộ VH-TT-DL, khẳng định: Bộ VH-TT-DL chưa nhận được ý kiến chính thức nào của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc này. Dư luận có quyền hoài nghi! ảnh 2

>> Bộ VH-TT-DL khẳng định: Chưa nhận được ý kiến về việc không tổ chức Asiad 18

 

Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị Bộ VH-TT&DL tính toán lại kế hoạch đăng cai sự kiện thể thao hàng đầu châu lục, để không tác động xấu đến nền kinh tế nếu quả thực Chính phủ phải chi ra gấp nhiều lần số tiền 150 triệu USD mà Bộ VH-TT&DL dự thảo cho Asian Games 2019.

Thậm chí, Bộ tài chính cũng như cách đây ít ngày một số đại biểu của Quốc hội đã cho rằng nếu tính khả thi không cao, tốt hơn hết Việt Nam nên rút lui, trả sự kiện này lại cho Hội đồng thể thao châu Á, để tránh rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách giống như nhiều quốc gia từng đăng cai EURO, Olympic, World Cup... dính phải thời gian qua.

Gần nhất, dư luận đều biết Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sau khi nghe lãnh đạo Bộ VH-TT&DL và Ủy ban Olympic Việt Nam trình bày ở phiên chất vấn thứ hai (diễn ra hôm 29-3) cũng đã có ý kiến rằng nên cân nhắc về việc đăng cai Á vận hội.

Tất nhiên, mặc dù lãnh đạo ngành TDTT vẫn còn một cơ hội chứng minh năng lực làm việc của mình trước Thủ tướng trong phiên giải trình tới đây, nhưng đa phần dư luận đều nghiêng về quan điểm nên rút khỏi Asian Games để giảm tránh thất thiệt.

Sân vận động Mỹ Đình - một trong những địa điểm được chọn sẽ là nơi thi đấu tại Asian Games 2019.

Sân vận động Mỹ Đình - một trong những địa điểm được chọn sẽ là nơi thi đấu tại Asian Games 2019.

Như đã nói, khoản 150 triệu USD là không đủ để tổ chức một kỳ Asian Games rất lớn về tầm vóc. Không thể nói rằng Việt Nam từng đăng cai thành công SEA Games 2003, từng tiêu tốn khá nhiều tiền cho sự kiện Asian Indoor Games 3-2009 là đủ khả năng đăng cai Á vận hội. Đấy là hai câu chuyện khác nhau hoàn toàn, tính cả về tầm mức đầu tư lẫn sự chuẩn bị.

Thời gian gần đây, cơ quan hữu quan làm việc với Bộ VH-TT&DL nhiều nhất về kế hoạch chuẩn bị đăng cai Asian Games 2019 là Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị ngành TDTT nên xem xét lại, đồng thời khuyến cáo qua công văn số 883/BTC: “Bộ Tài chính đề nghị Bộ VH-TT&DL cân nhắc, rà soát lại nhu cầu kinh phí, đảm bảo tính khả thi vì trong những năm tới nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước trước mắt phải ưu tiên những vấn đề cấp bách về an sinh xã hội”.

Thậm chí, Bộ Tài chính còn bày tỏ sự bất ngờ trước dự thảo đề án đào tạo 850 VĐV dự Asian Games 2019 mà Bộ VH-TT&DL dự tính, nhưng không hề trình bày tiêu chí tuyển chọn con người và khả năng tranh đoạt thành tích của họ đến đâu, có thực tế cần đến con số gần 1.000 tỷ đồng để đào tạo nâng cao cho họ hay không.

Đăng cai Asian Games 2019 không chỉ là chuyện lớn của Bộ VH-TT&DL, mà còn của cả đất nước, vì sự kiện này liên quan và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực giao thông, xây dựng, an ninh, kinh tế... Những góp ý từ nhiều phía kể từ khi ngành TDTT tuyên bố đã giành được quyền đăng cai từ Hội đồng thể thao châu Á (OCA) suy cho cùng cũng chỉ nhằm giúp giới chức tham khảo trước khi đi đến quyết định cuối cùng là nên tiếp tục hay sẽ rút lui.

Khi Bộ VH-TT&DL vẫn khăng khăng khẳng định con số 150 triệu USD là đủ để lo tất tần tật mọi thứ cho sự kiện này, không khỏi khiến dư luận hoài nghi, vì thực tế nhiều quốc gia đi trước từng tốn gấp 10 lần số đó hoặc hơn mới tổ chức được một kỳ Asian Games như Quảng Châu 2010 (Trung Quốc), như Incheon 2014 (diễn ra vào tháng 9 tại Hàn Quốc) tới đây.

LÊ QUANG

Vẫn phải chờ

Lãnh đạo ngành thể thao đã khẳng định không có chuyện “rút lui là phương án tốt nhất lúc này” khỏi chiến dịch đăng cai Asian Games 18-2019. Hiện tại, ngành thể thao và lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cùng Chính phủ vẫn đang trong quá trình xem xét để có quyết định cuối cùng.

Trước đó, Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có công văn số 1090/UBVHGDTTN13 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về những kiến nghị sau Phiên giải trình của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thể thao thành tích cao. Trong công văn có kiến nghị Quốc hội và Chính phủ về một số vấn đề, một trong số đó là việc Đẩy nhanh tiến độ xem xét phê duyệt Đề án tổng thể chuẩn bị tổ chức Asian Games 2019.

Việc đầu tư các công trình thể thao phục vụ sự kiện này phải có trọng tâm, trọng điểm; chủ yếu tập trung cải tạo, nâng cấp các công trình hiện có đáp ứng yêu cầu thi đấu của đại hội, chỉ xây dựng mới một số công trình thật sự cần thiết, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Công văn số 1297/VPCP-KGVX gửi liên Bộ VH-TT-DL, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ VH-TT&DL  khẩn trương hoàn thiện nội dung các Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 năm 2019 tại Việt Nam (Đề án Asian Games 18); Đề án đào tạo VĐV tham dự Asian Games 18 theo hướng cụ thể, chi tiết hơn, đề xuất các giải pháp khả thi, nhằm đáp ứng yêu cầu tổng thể về cơ sở vật chất, nhu cầu kinh phí, phương án tổ chức, đào tạo VĐV và các nội dung khác liên quan.

Trên cơ sở nội dung các đề án được hoàn thiện, chủ trì trao đổi, thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND Thành phố Hà Nội, các cơ quan, tổ chức khác liên quan, trong đó lưu ý việc tính toán đầy đủ, chi tiết tổng kinh phí thực tế cần thiết để tổ chức Asian Games 18, bao gồm cả kinh phí phát sinh và các chi phí khác liên quan, tính khả thi của từng nguồn vốn; đề xuất cụ thể các phương án tổ chức, những khó khăn và giải pháp khắc phục gắn với từng dự án đầu tư, từng nội dung chi; rà soát các địa điểm dự kiến tổ chức thi đấu nhằm bảo đảm huy động tối đa cơ sở vật chất hiện có...

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục