Điều lệ của Đại hội thể thao toàn quốc 2026 sẽ sớm được ban hành?

Gần 2 năm nữa, Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026 sẽ tổ chức và nhiều đơn vị đang chờ đợi Điều lệ khung sớm được ban hành.

Tất cả đang chờ đợi Điều lệ khung của Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026 sớm hoàn thiện và ban hành. Ảnh: CỤCTDTT
Tất cả đang chờ đợi Điều lệ khung của Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026 sớm hoàn thiện và ban hành. Ảnh: CỤCTDTT

Trong nhiều cuộc làm việc liên quan tới các nội dung tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL từng yêu cầu Cục TDTT xem xét kỹ lưỡng để sớm hoàn thiện Điều lệ khung, sớm ban hành. Không ít ý kiến trao đổi tại nhiều cuộc làm việc về tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026 khẳng định khi Điều lệ khung được ban hành cũng là cơ sở giúp các đơn vị chuẩn bị kỹ lưỡng hơn chuyên môn, lực lượng cho mình. Ngành thể thao dự kiến có thể ban hành Điều lệ khung của Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026 trong năm 2024 này.

Một trong những nguyên do khiến Điều lệ khung của Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026 chưa ra đời nằm ở việc nhà tổ chức chưa thống nhất số nội dung trong các môn sẽ tổ chức. Sơ bộ, Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 10-2024 sẽ có khoảng 40 tới 42 môn tranh tài. Trong tuần này (dự kiến ngày 3-10), lãnh đạo Cục TDTT và đại diện các đơn vị chuyên môn Phòng thể thao thành tích cao 1, 2 (Cục TDTT) có chương trình làm việc trực tiếp cùng đại diện thể thao TPHCM (chủ nhà của Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026). Quyết định số nội dung (hay là tổng thể số bộ huy chương) có thể được đưa ra tại buổi làm việc trên.

2 năm trước, Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 đã tổ chức với điểm chính ở Quảng Ninh. Chương trình thi đấu của Đại hội trên diễn ra vào thời điểm tháng 12-2022 và các đơn vị phải đăng ký quân số, số nội dung thi đấu từ tháng 9-2022. Tuy nhiên, Điều lệ khung của Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9-2022 chỉ ban hành trước 1 tháng so với giai đoạn phải thực hiện đăng ký sơ bộ (ngày 25-8-2022). Nhiều ý kiến đưa ra thời điểm trên bởi thời gian từ khi Điều lệ khung của Đại hội ban hành tới khi đăng ký quá sát nhau, xảy ra không ít bất cập.

2 năm trước, Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 có Quyết định của Bộ VH-TT-DL tổ chức 43 môn với 941 nội dung. Thực tế, Đại hội chỉ tranh tài 42 môn với 938 nội dung do môn thể dục nghệ thuật bị hủy vì không đủ đơn vị đăng ký.

Với Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026, ý kiến từ các đơn vị chuyên môn của Phòng thể thao thành tích cao 1, 2 (Cục TDTT) đã đưa ra để tham khảo như việc chọn bao nhiêu nội dung, nội dung trọng điểm như thế nào là phù hợp. Bởi lẽ, thể thao Việt Nam đã tổ chức Hội thảo chuyên môn để khẳng định rõ tập trung cho các môn hướng đến đấu trường ASIAD, Olympic. Do vậy, môn và nội dung của các môn đó chắc chắn có trong chương trình Đại hội thể thao toàn quốc. Nhiều môn có ý nghĩa... dân tộc như lân sư rồng, võ cổ truyền, đẩy gậy, kéo co... cần tính toán về số bộ huy chương tranh tài. Môn mới được đưa vào là roller cũng phải tính toán cụ thể. Số nội dung ở những môn này không thể nhiều hơn với các môn thành tích cao mà thể thao Việt Nam đang đầu tư phát triển chuyên môn. “Chúng ta đã có thay đổi tên gọi từ Đại hội thể dục thể thao toàn quốc trước đây thành Đại hội thể thao toàn quốc vào lúc này. Vì thế, dựa trên sự tính toán hợp lý, tôi thấy môn và nội dung mang đúng tinh thần thể thao toàn quốc nên được chú trọng...”, chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh từng phân tích.

Qua tìm hiểu, có thể số nội dung chính thức của Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026 nhiều hơn số 938 bộ huy chương tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9-2022 nhưng đơn vị quyết định là Cục TDTT và chủ nhà TPHCM phải có sự thảo luận kỹ lưỡng, chặt chẽ nhất để khi VĐV ra tranh tài thì tất cả mang đúng ý nghĩa thể thao thành tích cao.

Tin cùng chuyên mục