Không biết việc Hải Phòng đăng ký đá hạng Nhất thay vì quyết mua suất chơi V-League là do họ không có tiền hay đang “chơi chiêu”, nhưng ít ra làm như vậy là khôn ngoan trong thời điểm này. Chẳng có gì hay ho khi phải tốn kém cho một mùa giải có thể chẳng đi đến đâu.
Như chúng tôi đã có lần đề cập: một giải bóng đá muốn có chất lượng thì nhất định phải có tính cạnh tranh cao. Làm bóng đá ai mà chẳng muốn vô địch nhưng nếu danh vị cao quý đó đến nhờ “chỉ chơi một mình” thì chẳng còn mấy ý nghĩa.
Nếu đặt vào trong trường hợp của Hải Phòng, thời cực thịnh của họ cách đây 3-4 năm, khi mà mỗi mùa tiêu tốn cả trăm tỷ, các trận đấu được “bao trọn gói” phát sóng trực tiếp trên VCTV và sân Lạch Tray thì như lò lửa, mà còn không thể vô địch thì liệu bây giờ cố kiếm tiền mua suất để đá V-League thì lấy gì làm hi vọng. Hơn nữa, có bỏ tiền mua suất rồi thì cũng phải đầu tư mạnh hơn để đủ sức vô địch chứ chẳng lẽ mua suất rồi đá hết mùa… lại rớt hạng. Mà để bỏ cả trăm tỷ đồng làm cùng lúc 2 điều đó, ở thời điểm này, coi chừng bị coi là… dại.
Không muốn bị xem là… dại thì tốt nhất là hãy khôn ngoan. Việc đăng ký đá hạng nhất của Hải Phòng vừa thể hiện họ chấp nhận “làm lại”, vừa có thể “ép” các đối tác nếu muốn bán suất V-League “vui lòng giảm giá”. Kiểu gì thì cũng là một nước cờ thông minh.
o 0 o
Nói dông dài như vậy để thấy, đến ngay cả Hải Phòng còn phải “nhún nhường” trước thời cuộc thì rõ ràng tình thế của bóng đá Việt Nam đã khó lắm rồi. Thế nên chẳng hiểu sao các nhà quản lý bóng đá vẫn một mặt tin rằng V-League mùa tới vẫn sẽ xôm tụ.
Trong khi đó, lẽ ra nhân dịp này, các nhà quản lý bóng đá nên tính đến phương án siết chặt các qui định về tài chính và cơ cấu đầu tư vào bóng đá, qua đó, CLB nào có ngân sách mạnh, dòng tiền hợp lý và kế hoạch kinh doanh tốt thì cho phép thi đấu bởi lẽ chỉ có những CLB như vậy mới đủ đam mê và tâm huyết phát triển bóng đá. Trên cơ sở đó, chúng ta chấp nhận số lượng đội tham gia không nhất thiết phải đúng như kỳ vọng. Lúc này, ít mà tinh mới đáng khuyến khích.
Một chuyện quan trọng, có thời cơ và cũng khá hợp lý như thế mà lại không thấy VFF và VPF làm. Thay vào đó, lại cố duy trì 14 đội, cố tạo nên những con số tài trợ bóng loáng để khuyến khích các đội “đổ tiền, chơi tiếp”, lại đưa ra các qui định can thiệp sâu vào chuyên môn như “đến 25 tuổi mới chuyển nhượng”, hoặc “phải cho ra sân 1 cầu thủ U21” hay như “giới hạn mức lương trần cầu thủ”…
Đến một đội bóng vốn rất mập mờ về “tư nhân”, “nhà nước” và tiêu tiền rất nhiều như Hải Phòng cũng đã thấy được thời thế mà tự hạ chỉ tiêu của mình thì hà cớ gì những đơn vị như VFF, VPF vốn đau đầu về chuyện quản lý lại cứ cố lao mình vào những khó khăn một cách không cần thiết.
Hồ Việt