
Ngồi bệt trên sàn, Công Vinh lúi húi với cả trăm trái bóng, chiếc áo mà anh phải ký tặng. Vinh “còm” tỉ mẩn ký miệt mài và không chút ca thán (dù tính anh vốn hay lèm bèm), vì đấy là sứ mệnh của… ông chủ nhà hàng Công Vinh - Hồng Sơn.
Kiếm tiền từ dạ dày
Chữ ký của Công Vinh vốn giá trị chẳng khác gì… vàng ròng. Bằng chứng là bản hợp đồng 3 năm với T&T Hà Nội, Vinh ký và nhận gần nửa triệu USD tiền lót tay. Cho nên, khi Vinh ngồi loay hoay với đống áo, bóng để ký tặng, nhiệm vụ ấy không phải là chỉ ký chơi suông.
Công Vinh tặng chữ ký, tỉ mẩn như vậy đơn giản là để lấy lòng thực khách, cũng hệt như cách anh chinh phục khán giả bằng màn trình diễn trên sân cỏ. Bởi từ giữa tháng 8-2009, tiền đạo này và người bạn thân (thủ môn Dương Hồng Sơn) đã biến thành ông chủ nhà hàng cực lớn ở thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). “Phi thương bất phú”, nên Công Vinh và Hồng Sơn không chấp nhận số vốn có được từ nghề cầu thủ cứ nằm không một chỗ. Dự án kinh doanh nhà hàng, Vinh - Sơn ấp ủ và quyết định đổ tiền vào đầu tư ngay khi đang bận túi bụi với V-League 2009.
Khi Công Vinh - Hồng Sơn công khai ý tưởng mở nhà hàng, ai cũng sốc vì bộ đôi tuyển thủ này lại chọn… Vĩnh Yên làm nơi triển khai dự án, thay vì Hà Nội, TPHCM hoặc chí ít là Nghệ An - quê hương của họ. Tuy nhiên, Công Vinh và Hồng Sơn khẳng định, Vĩnh Yên chỉ là nơi đặt nền móng, còn sau đó nếu việc kinh doanh trôi chảy, phát đạt thì 2 người sẽ đưa nhà hàng “tiến về Hà Nội”. Vả lại, với khuôn viên đến 3.000 m², có thể cùng lúc phục vụ khoảng 1.000 thực khách, thì lựa chọn của Công Vinh - Hồng Sơn hẳn không phải ngẫu nhiên.
Làm ông chủ lớn trong điều kiện cả 2 đều bận túi bụi, nhất là Công Vinh, cho nên, bộ đôi này hớn hở ra mặt khi có được cậu em vợ của Hồng Sơn làm quản gia nhà hàng. Thay vào đó, Công Vinh và Hồng Sơn điều khiển từ xa, hết lo chuyện tận dụng hình ảnh sân cỏ, khuếch trương danh tiếng nhà hàng, lại lo chắt lọc thêm những “bí kíp”. Chẳng thế, sau khi nhà hàng Công Vinh - Hồng Sơn khai trương, ngoài những “sao” bóng đá, sao của làng giải trí như Mr Đàm (Đàm Vĩnh Hưng), Thủy Tiên… cũng liên tục xuất hiện. Tuy vậy, công việc tốn kém nhất chính là chuyện đi thu thập bí kíp.
Công Vinh và Hồng Sơn tiết lộ, từ ngày có nhà hàng, họ chịu khó và tốn tiền đi… tiệm hơn. Bởi thế, ngồi trên bàn tiệc, Công Vinh và Hồng Sơn cứ luôn miệng so sánh giá gà, ngỗng, hải sản… hệt như những nhà nội trợ, đầu bếp sành sỏi. Cũng may, nhà hàng của 2 tuyển thủ này đang làm ăn rất khá, nên họ cũng rủng rỉnh mà đi tích lũy bí kíp ở quán ăn của đối thủ. Công Vinh dí dỏm: “Nghề chơi cũng lắm công phu, nhất là nghề kiếm tiền qua dạ dày, không sành ăn, sành giá hơn đối thủ thì thua!”.

Đoạt danh hiệu Quả bóng vàng 2008, Dương Hồng Sơn còn kết hợp làm ăn khá thành công với Lê Công Vinh trong năm 2009. Ảnh: NGUYỄN HÙNG
Bán... "thương hiệu"
Trong khi 2 cậu học trò cưng Công Vinh - Hồng Sơn đột phá bằng cách mở nhà hàng thì gần chục năm ở Việt Nam, “phù thủy” Calisto đã có tiếng là… tay buôn có hạng. Hồi cầm quân ở ĐT.LA, thậm chí đến lúc giữ vai trò thuyền trưởng của đội tuyển Việt Nam, cứ rảnh rỗi là thầy Tô lại... đi buôn. Ông thầy người Bồ làm môi giới cho không ít thương vụ buôn gạo, rượu vang từ Việt Nam về Bồ Đào Nha, và ngược lại. Bởi vậy, có lúc rảnh rang với nghề cầm quân, ông Calisto thú nhận rằng, ông thèm cảm giác được đi buôn. Thêm vào đó, ông tiếc nhất là việc giao thương giữa Bồ Đào Nha và Việt Nam còn quá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi bên.
Việc ông Calisto đi buôn gạo, rượu vang thuộc vào góc khuất, không phải ai cũng biết, nhưng đi buôn bằng thương hiệu, tức là nghiệp sân cỏ thì ông thầy người Bồ thuộc loại năng động nhất trong số những ông thầy người nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam. Làm người mẫu, quảng cáo cho hãng bia Zorok, toàn bộ cát-sê, ông Calisto ủng hộ hết cho từ thiện. Tuy nhiên, phi vụ “môi giới” cho bầu Hiển tiếp xúc làm ăn với hàng loạt đội bóng lớn châu Âu, bắt tay với nhà tài phiệt bóng đá Jorge Mendes, hẳn nhiên ông Calisto không thể làm… không công.
Không chỉ vậy, thỉnh thoảng lại thấy ông Calisto và cậu con trai Tiago Calisto làm “thương lái” cho vài cuộc chuyển nhượng ngoại binh đến chơi bóng tại V-League và hạng Nhất. Chính vì vậy, khả năng bán “thương hiệu” của ông Calisto cũng thuộc loại siêu hạng, dù bề ngoài không hoành tráng như những ông cò máu mặt Trần Tiến Đại, Mauro…
Cũng tận dụng sở trường của mình, thủ môn Thế Anh (B.Bình Dương) và một vài đồng đội của anh ở đội bóng đất Thủ dồn vốn mở sân bóng đá. Dĩ nhiên, lực của Thế Anh không thể tung chiêu vào những sân lớn, thay vào đó, thủ môn này đánh vào nhu cầu của dân đá “phủi”. Có tiền từ việc gia hạn hợp đồng với B.Bình Dương, Thế Anh dồn tiền mua đất ưu đãi ở Nghệ An, Bình Dương.
Rồi cứ thế, việc ra đời CLB thể thao Thế Anh như thủ môn này thừa nhận là để “thấy phí thì làm”. Nhưng cách đầu tư của Thế Anh cũng thuộc loại táo bạo, 2 sân cỏ nhân tạo, giá chẳng mềm (24 USD/mét vuông) nên số tiền đổ vào sân bóng cũng tương đối. Thế Anh kể, mọi chuyện cứ túc tắc, nhưng có triển vọng và quan trọng là có cơ sở để thỏa đam niềm mê sân cỏ.
Buôn thúng, bán mẹt |
YẾN NHI