Trong khi dư luận đang bức xúc trước việc các cầu thủ đội Olympic rất thiếu những trận đấu tập huấn cho cuộc tranh tài quý giá tại Asian Games 16, nhưng người ta lại giật mình khi biết rằng chỉ trong vòng có 6 tuần lễ, đội tuyển Việt Nam của ông Calisto lại đá đến 8 trận. Và trận nào cũng nhọc nhằn…
![]() |
Quang Thanh (16) dù chấn thương chưa hồi phục hoàn toàn, nhưng vẫn được tung vào sân thi đấu tại VFF Cup. Ảnh: QUANG THẮNG |
Chấn thương của Việt Thắng tại VFF Cup gần như đã chính thức loại cầu thủ có vai trò quan trọng trong sơ đồ chiến thuật của ông Calisto ra khỏi AFF Cup 2010. Đã không thể có Công Vinh, nay còn không có Việt Thắng thì chẳng khác nào tin sét đánh ngang tai. Tai hại hơn, trong thời gian từ nay đến khi bắt đầu AFF Cup, có muốn thì ông Calisto cũng không thể tìm người thay thế vị trí của Việt Thắng. Mà ngay cả có được người thì cũng chẳng thể biết cầu thủ ấy phù hợp với lối chơi chung hay không. Đơn giản vì đội tuyển Việt Nam đã dùng hết “quota” các trận giao hữu quan trọng nhất của mình. Giờ chỉ là tập “chay”!
Thế mới đặt câu hỏi: Các nhà chuyên môn của VFF ở đâu? Ông Calisto có tỉnh táo hay không khi dồn toàn bộ các trận cọ xát vào một khoảng thời gian ngắn, và để đến 1 tháng tập không thi đấu? Bất cứ giáo án huấn luyện để chuẩn bị cho một giải đấu dài ngày nào trên thế giới cũng không giống kiểu mà thầy trò ông Calisto đang trải qua. Thông thường, giai đoạn đầu là tập thể lực, kỹ chiến thuật, ráp đội hình. Gần đến giải mới thi đấu theo lộ trình từ đối thủ mạnh (phát hiện sai sót) dần đến yếu (để hưng phấn tâm lý). Giữa các trận giao hữu có thời gian trống để điều chỉnh. Đằng này, chỉ riêng việc di chuyển sang Ấn Độ và Kuwait cũng đã mất 1 tuần, trong khi 2 trận đấu ấy rất không cần thiết khi đã có sẵn VFF Cup với những đối thủ tốt hơn.
Sức ép đến từ đâu?
Theo chúng tôi được biết, chuyến ra nước ngoài vừa qua mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là cơ hội thi đấu. Nếu đã vậy, tại sao không lùi VFF Cup chậm lại một thời gian, xem như đấy là đợt rà soát cuối cùng cho thầy trò ông Calisto? Rõ ràng, khi AFF Cup còn đến 1 tháng nữa mới bắt đầu, đây vẫn chưa là thời điểm quyết định nhân sự. Vậy nhưng, nếu không “chốt” giờ này thì ông Calisto sẽ chẳng còn lúc nào khác. Và những gì đang diễn ra tại VFF Cup cho thấy, đội tuyển Việt Nam còn thiếu nhiều thứ để hoàn thiện, nhưng nếu có thay đổi gì thì chẳng biết sẽ ổn hay không, khi cơ sở đánh giá chỉ là các buổi tập?
Một người mà năm 2008 dám chấp nhận đến 13 trận chẳng biết thắng để rà soát đội hình như ông Calisto, dứt khoát biết mình cần thêm trận đấu trong 1 tháng tới. Cũng chính ông vốn không coi trọng các giải đấu theo dạng cúp rất thịnh hành ở Việt Nam, bởi dù là giải giao hữu, nhưng các trận đấu luôn có tính chất tranh đua. Không thể yêu cầu các cầu thủ đừng cố gắng thi đấu quá mức khi sức ép thành tích, áp lực từ khán giả sẽ khiến cầu thủ quên mất mệnh lệnh của HLV trưởng. Thành ra, không hề ngạc nhiên khi 2 trận giao hữu ở nước ngoài chúng ta thua dễ dàng, nhưng tại VFF Cup thì lại cố gắng đến mức dính chấn thương ở nhiều vị trí trụ cột.
Chúng tôi đã rất nhiều lần đặt câu hỏi: tại sao không thay các giải đấu cúp bằng các trận giao hữu theo thông lệ quốc tế, tức các trận được xếp hạng A của FIFA? Tại sao phải giữ VFF Cup, khi vừa đá xong giải 1000 năm Thăng Long? Mang tiếng là cọ xát để rèn giũa đội hình, nhưng trong 6 tuần qua, ngoài 2 trận đấu có ý nghĩa giao hữu thực sự ở nước ngoài, 6 trận còn lại đều phải “gồng sức” ra đá vì thể diện của đội chủ giải. Người Thái Lan dám hủy King’s Cup khi cần thiết, còn chúng ta tại sao không bỏ VFF Cup và thay vào đó là 2-3 trận giao hữu có chất lượng đều đặn từ đây cho đến AFF Cup để ông Calisto có điều kiện kiểm tra đội hình chính?
Tất nhiên, VFF không phải không biết những yếu tố chuyên môn đó, nhưng như người ta hay nói: VFF Cup là một cơ hội kinh doanh của tổ chức này, nơi kiếm tiền duy nhất trong một năm của thương hiệu đội tuyển. Vì điều đó mà VFF sẵn sàng chấp nhận khán đài trống vắng, chấp nhận mời các “quân xanh” chẳng có những yếu tố tương đồng với các đối thủ sắp đến ở AFF Cup 2010.
Nếu nói lúc này ông Calisto đã chọn được điểm rơi phong độ cho đội bóng của ông bằng cả 1 tháng tập chay thì đúng là ông quá giỏi (thực tế thì ông đang nổi nóng vì đội chơi không đúng ý). Trong khi gần 2 tháng qua, đội tuyển phải tập nặng, phải đấu thật để rồi dính chấn thương toàn ở các vị trí quan trọng thì liệu 1 tháng tới, lấy cơ sở nào để đánh giá đội tuyển đã vào guồng cho mục tiêu bảo vệ ngôi vương?
Ai đã ép để đội tuyển phải cố gắng ở VFF Cup? Hãy nhớ rằng, đội tuyển Việt Nam không phải là của riêng của VFF để phục vụ một mục tiêu nào đó mà bất chấp tất cả các yếu tố hợp lý về chuyên môn.
Công Vinh, Việt Thắng khó chơi được ở AFF Cup 2010. Quang Hải chỉ tỏa sáng khi vào thay người, tiền đạo còn lại của đội tuyển là Sỹ Mạnh lại thiếu kinh nghiệm. Một cái tên đáng chú ý khác là Ngọc Thanh thì lại “cấn” với ông Calisto. Nhưng đặc biệt hơn cả là vai trò của Việt Thắng quá quan trọng trong lối chơi dùng 1 tiền đạo tạo ra các khoảng trống của ông Calisto áp dụng bấy lâu nay. Thiếu một “cầu” như Việt Thắng, có lẽ ông Calisto phải thay đổi cả sơ đồ chiến thuật nếu không tìm được người thay thế. |
HỒ VIỆT