Của để dành!

Nhân chuyện tay vợt Lý Hoàng Nam bị Liên đoàn quần vợt Việt Nam cấm tham gia các giải đấu quần vợt nội địa 1 năm, dù ai cũng hiểu sự thể xuất phát từ mâu thuẫn của người lớn, mới thấy nghiệt ngã cho những VĐV trẻ triển vọng.

Nhân chuyện tay vợt Lý Hoàng Nam bị Liên đoàn quần vợt Việt Nam cấm tham gia các giải đấu quần vợt nội địa 1 năm, dù ai cũng hiểu sự thể xuất phát từ mâu thuẫn của người lớn, mới thấy nghiệt ngã cho những VĐV trẻ triển vọng.

Lý Hoàng Nam là sản phẩm của một quá trình đầu tư từ đơn vị Becamex Bình Dương và gia đình. Tất nhiên cũng có phần của giới chức quần vợt quốc gia, dù không sâu đậm cho lắm. Việc đơn vị chủ quản hướng cho Hoàng Nam tập huấn nước ngoài thường xuyên, thi đấu ở những giải quốc tế vừa tầm nhưng đậm ý tưởng chuyên nghiệp, chủ yếu cũng vì tương lai của Hoàng Nam và quần vợt nước nhà nói chung.

Song, sự cố Hoàng Nam không lên tập trung ĐTQG dự vòng loại Davis Cup 2014 (dù chủ ý đều từ BHL và đơn vị chủ quản) khiến tay vợt trẻ này bị LĐQV cấm thi đấu 1 năm, vô hình trung tạo nên cảm giác thiếu tự tin cho chính Nam và có thể là cho nhiều tay vợt khác được đầu tư về sau này nữa. Ít nhiều, mối quan hệ giữa B.Bình Dương với giới chức quần vợt cũng đã bị ảnh hưởng, kéo theo đó là việc tay vợt Lý Hoàng Nam cũng sẽ gượng gạo một khi trở lại phục vụ ĐTQG.

Sau thời của Đỗ Minh Quân, quần vợt Việt Nam có 2 tay vợt được đánh giá triển vọng là Nguyễn Hoàng Thiên và Lý Hoàng Nam. Thậm chí, cả hai còn được coi là “của để dành” cho tương lai, khả năng cải thiện hình ảnh cho quần vợt Việt Nam là rất lớn. Tiếc rằng đến hiện tại, mọi thứ hình như lại đang đi chệch hướng...

Ở môn cầu lông, tay vợt Phạm Cao Cường vừa tạo nên cú sốc khi đánh bại tay vợt hạng 22 thế giới tại giải vô địch châu Á 2014, lập tức được TPHCM hứa hẹn sẽ đầu tư nhiều hơn nữa, tập trung cho Cường sớm tìm được vị thế ở đẳng cấp thế giới. Cái đích mà cầu lông TPHCM hướng đến chính là trong tương lai không xa, Cao Cường có thể thế vai cho đàn anh Nguyễn Tiến Minh.

Nhưng không phải VĐV trẻ nào cũng được ưu ái như Cao Cường hay Hoàng Nam. Bóng chuyền có chủ công Từ Thanh Thuận cũng còn rất trẻ và được đánh giá là sự thay thế xứng đáng cho các đàn anh Nguyễn Hữu Hà và Ngô Văn Kiều ở ĐTQG. Tuy nhiên, tiếc là Thanh Thuận chỉ ở đội bóng “làng nhàng” như Vĩnh Long, chứ không phải một môi trường nào khác được đầu tư nhiều hơn như ở Thể Công, Ninh Bình, TPHCM...

Muốn luyện nghề, chủ công trẻ này phải đi đánh thuê thường xuyên, nhưng điều đó luôn có hai mặt lợi và hại. Lợi tức là Thuận vẫn được đấu ở môi trường đỉnh cao. Còn hại có nghĩa vì là phận “lính đánh thuê” nên Thanh Thuận phải gồng sức phục vụ đội bóng trả lương cho mình, có thể rơi vào tình cảnh chấn thương như đàn anh Ngô Văn Kiều bất cứ lúc nào nếu không biết cách dưỡng sức và chăm chút cho chuyên môn của mình.

Định hướng đầu tư cho những VĐV trẻ tài năng như 3 gương mặt điển hình kể trên rõ ràng là trách nhiệm của những người làm thể thao địa phương và trung ương. Tuy nhiên, để họ trở thành “của để dành” cho tương lai theo đúng nghĩa, rất cần một lộ trình đầu tư mang tính chuyên nghiệp thực sự.

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục