Cử tạ, võ vật là những môn thể thao cần sự mạnh mẽ và nó càng được chú ý khi VĐV trên sàn tranh tài là các nữ tuyển thủ. Sự khô cứng có thể ảnh hưởng phần nào từ môn thể thao sức mạnh mang lại nhưng nữ tuyển thủ vẫn luôn là đóa hoa đẹp đáng trân trọng.
Thành công đều có nước mắt, mồ hôi
Chấn thương hoặc bị đau khi tập luyện, thi đấu thể thao ở VĐV là điều thường nhật. Chuyện đau tới chảy nước mắt, toát mồ hôi là không khó gặp. Dương Thúy Vi (wushu) nhiều lần chia sẻ, cô cùng các đồng đội khổ luyện nhiều năm mới đạt được kết quả như lúc này. Những đường quyền thướt tha cùng hình ảnh sáng lòa trong bộ đồ biểu diễn nhiều màu sắc chỉ là thành quả cuối sau một thời gian đã rèn luyện và ở sự tập luyện đó, VĐV trượt chân ngã, đau gối, lật cổ chân, trầy xước da... hoàn toàn bình thường.
“Năm nay cháu 24 tuổi, đã có 17 năm tham gia tập luyện thi đấu. Toàn bộ tuổi thanh xuân của cháu gắn liền với phòng tập, với mồ hôi, nước mắt. Chúng cháu đã đánh đổi tuổi trẻ, thanh xuân, thời gian cho gia đình để dành hết cho ngày hôm nay. Tuổi nghề VĐV chúng cháu rất ngắn. Đặc biệt, với các môn thể thao thành tích cao càng khó xác định được. Chấn thương nặng sẽ phải lên bàn mổ, có thể phải bỏ luôn giấc mơ của mình. Đó là những gì mà các VĐV phải đối mặt”, Dương Thúy Vi đã chia sẻ trước lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội khi lên nhận thưởng SEA Games 29-2017 của thể thao thủ đô. Dù thế, Thúy Vi luôn cháy hết đam mê với võ thuật.
Nguyễn Thị Lụa hay Vũ Thị Hằng cũng tương tự. Hai nữ tuyển thủ môn vật từng giành suất chính thức dự Olympic 2016 cách đây 1 năm. Để thành tuyển thủ vật nữ bất khả chiến bại như họ không dễ. “Chuyện gẫy răng, trật vai, mình mẩy đau nhừ sau tập luyện, thi đấu với chúng tôi đã thường nhật. Không những thế, trong môn vật, động tác chuyên môn luôn có lực mạnh và người tập phải lăn lộn bò nhoài suốt ngày trên sàn đấu nên hình ảnh mềm mại chắc sẽ khó với chúng tôi”, Nguyễn Thị Lụa từng giãi bầy.
Tuy nhiên, sức lực của nữ VĐV vẫn luôn đủ để vượt ngưỡng và đạt kết quả cao nhất. Dáng người thấp nhỏ, nhưng cô gái Vương Thị Huyền khiến mọi người nể phục với tổng cử 194kg và đoạt HCB giải cử tạ VĐTG năm 2015. Sự thăng hoa như thế ai cũng hân hoan nhưng dù thành công với bất kỳ nữ VĐV nào đều không dễ. Thậm chí, giây phút thi đấu Olympic 2016 lẽ ra phải là lúc thăng hoa nhất của sự nghiệp nhưng thật tiếc, Huyền không thành công do rớt tạ nhưng nữ lực sĩ vẫn tự tin mình còn đam mê thì chưa thể bỏ cuộc.
Ngày Phụ nữ không quà
Hỏi câu chuyện “ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 sẽ đặc biệt gì không với bản thân ?”, nhiều nữ tuyển thủ thể thao Việt Nam đều chia sẻ với họ mọi việc vẫn diễn ra bình thường và hiếm khi được tặng quà .
“Do chúng tôi đang thi đấu cúp quốc gia nên ngày 20-10 sẽ không có gì đặc biệt. Thường thì ngày này, các bạn đội wushu nam sẽ tổ chức một bữa ăn cho VĐV đội nữ nhưng bận thi đấu thế này, năm nay khó thực hiện”, Dương Thúy Vi chia sẻ.
Vũ Thị Hằng chia sẻ, đã chọn sự nghiệp là VĐV môn vật hoàn toàn không hối tiếc. Ảnh: NGUYỄN NGUYỄN
“Mấy năm trước chúng tôi có HLV nữ huấn luyện tại đội nên có tổ chức chương trình bất ngờ cho thầy. Năm nay không có, ngày Phụ nữ Việt Nam vẫn sẽ bình thường. Chúng tôi vẫn đang tập luyện để chuẩn bị tới đây còn thi đấu giải và không có khái niệm được tặng quà đâu. Vấn đề nan giải của VĐV nữ chính là phải tìm được người yêu (cười!). Giải quyết được điều này thì chắc chắn ngày 20-10 của các VĐV nữ chúng tôi sẽ rôm rả hơn rất nhiều. Con gái mà, ai cũng muốn được quan tâm và mình được đẹp hơn ở những ngày kỷ niệm như vậy”, nữ tuyển thủ Vũ Thị Hằng (vật) trò chuyện.
Trong khi đó, nữ tuyển thủ cử tạ Vương Thị Huyền thì tiết lộ cô và nhiều đồng đội không nghỉ tập, vẫn thực hiện giáo án như mọi người dù là 20-10. “Chúng tôi sắp thi đấu cử tạ VĐTG nên bắt đầu tập luyện chuẩn bị lúc này. Được tặng quà ư (!), tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Nếu nhận được lời chúc từ bạn bè thì vui nhưng tập luyện chiếm hết thời gian nên tôi nghĩ ngày 20-10 không ảnh hưởng nhiều tới mình”.