Chung kết play-off thăng hạng Premier League: Đâu chỉ lấp lánh kim tiền

Tất nhiên trận chung kết play-off là về tiền. Ai cũng thấy cả. Về mặt tài chính, những gì có được từ trận đấu này là một cơn địa chấn. Đội chiến thắng có thể mong đợi doanh thu tăng lên con số từ 170-285 triệu bảng trong ba mùa tiếp theo, tùy thuộc vào thời gian họ ở trụ lại ở giải ngoại hạng. Trong khi thu nhập hằng nằm hiện tại của các đội như Coventry hay Luton chỉ vào khoảng 17-18 triệu bảng ngay bây giờ, thì đó là những con số mang tính “đổi đời”.
Chung kết play-off thăng hạng Premier League: Đâu chỉ lấp lánh kim tiền

Nhưng Coventry và Luton, 2 đội bóng sẽ chơi trận chung kết “trăm triệu bảng” còn đại diện cho một điều gì đó lớn hơn rất nhiều. Nó không đơn thuần chỉ là sự lấp lánh của những đồng bảng Anh, bởi nếu chỉ vì tiền có lẽ họ chẳng thể vươn đến trận đấu tại Wembley đêm 27-5 này.

Năm 2018, tức là chỉ mới 5 năm trước, cả Coventry và Luton đều ở League Two, giải đấu xếp hàng thứ 4 – cuối cùng trong hệ thống 4 cấp của bóng đá chuyên nghiệp nước Anh tính từ Premier League. Khởi đi từ một hạng đấu thấp như vậy, chẳng có đội nào phấn đấu chỉ vì chuyện kiếm được nhiều tiền ở giải ngoại hạng cả. Tổng cộng có đến gần 200 đội bóng chơi tại các giải đấu ngoài Premier League, họ phải có một trái tim nóng, với niềm đam mê thật lớn, mới giữ cho mình được mục tiêu thăng hạng.

Đội chiến thắng trận play-off thăng hạng có thể mong đợi doanh thu tăng lên con số từ 170-285 triệu bảng trong ba mùa tiếp theo

Đội chiến thắng trận play-off thăng hạng có thể mong đợi doanh thu tăng lên con số từ 170-285 triệu bảng trong ba mùa tiếp theo

Tất nhiên, tiền là một cái đích không thể không đặt ra. Luton đang muốn chuyển trụ sở từ từ nhà kho cũ ọp ẹp trên đường Kenilworth đến một ngôi nhà mới tại Power Court, ngay trung tâm thị trấn. Kế hoạch của CLB là mở rộng sức chứa sân vận động 10.000 người vốn đã được dùng trong hơn nửa thế kỷ qua. Chiếc vé lên Premier League chính là chìa khóa để họ đi vay tiền làm điều đó.

Luton ít nhất còn có “ngôi nhà” của mình, nhỏ bé nhưng ổn định. Còn người hâm mộ Coventry đã dành quá nhiều thời gian để đi bộ đến sân CBS Arena, vốn được chia sẻ cùng 2 đội bóng địa phương khác là Birmingham và Northampton. Họ đang tranh chấp quyền sở hữu và nếu được thăng hạng, có thể ông chủ Doug King, một doanh nhân địa phương sẽ đầu tầu mua đứt quyền sở hữu để đảm bảo tương lai của họ tại sân này. Tóm lại, với 2 CLB, tấm vé thăng hạng gần như “trúng Vietlot”.

Hơn nữa, cả 2 đều thấu hiểu chuyện túng thiếu khốn khổ, khốn nạn như thế nào. 2 CLB này đã từng đứng bên bờ vực phá sản. Luton bị trừ 30 điểm trong bối cảnh khủng hoảng tài chính 2008-09, mất quyền chơi ở FA Cup vì không bảo đảm tài chính. Còn với Conventry, công ty quản lý họ bị phá sản và giải thể năm 2013 vì không có tiền vận hành. Họ đã đi đến tận cùng cực của sự nghèo túng và hơn ai hết, họ hiểu việc có khoản thu hơn trăm triệu bảng mỗi năm lớn đến mức nào.

Họ đã đi một con đường dài, tiền không phải là tất cả

Họ đã đi một con đường dài, tiền không phải là tất cả

Nhưng câu chuyện tồn tại và đi lên của họ không liên quan gì đến tiền. Nói cách khác, tiền không phải là thứ giúp họ có được vị trí ngày hôm nay. Sự thăng tiến của Coventry từ năm 2018 đến nay nhờ vào tài nghệ của Mark Robins, chân sút từng khoác áo Man.United, Leicester, người đang có mùa giải thứ 6 dẫn dắt CLB. Còn với Luton, HLV của họ là Nathan Jones đã làm việc từ năm 2016 cho đến khi bị Southampton mua đứt nhờ thành tích là HLV xuất sắc nhất giải hạng nhất mùa trước. Jones thì không cứu nổi Southampton khỏi cảnh xuống hạng mùa này, nhưng người thay ông là Rob Edwards lại đang trên đường đưa đội bóng nhỏ bé này thăng hạng.

Coventry và Luton có nhiều điểm chung. Một ở thành phố Midlands lịch sử và một ở thị trấn cổ phía nam nước Anh, trung tâm của ngành công nghiệp xe hơi Anh. Lịch sử của cả 2 đều lâu đời: Coventry được thành lập vào năm 1883, còn Luton vào năm 1885. Coventry giành được FA Cup năm 1987, Luton giành được League Cup năm 1988. Coventry có thể là đội Premier League đầu tiên rớt xuống tận giải hãng 4 mà trở lại được; Luton thậm chí còn “dữ dằn” hơn khi có thể là đội bóng Anh đầu tiên tụt từ hạng cao nhất xuống hạng bán chuyên (ngoài hệ thống chuyên nghiệp) mà vẫn trở lại được.

Họ đại diện cho cái gọi là “sức sống”, là hiện thân cho sự tiến bộ của mô hình phát triển hình tháp của bóng đá Anh, điều mà chính Pep Guardiola cũng phải dành lời khen tặng. Đó cũng chính là lý do, là cảm hứng để thu hút các nhà đầu tư “ngoài nghành” như các tài tử Hollywood Ryan Reynolds và Rob McElhenney tham gia vào ý tưởng lãng mạn: biến một đội không có gì thành đế chế vài trăm triệu bảng. Đây cũng là lý do tại sao kế hoạch Super League của các đại gia bóng đá châu Âu bị chặn đứng ở nước Anh. Người yêu bóng đá xứ sươn mù vẫn đặt niềm tin vào các câu chuyện lãng mạn, họ không muốn suốt tuần chỉ biết đến những tên tuổi lớn trên truyền hình, internet.

Coventry và Luton có thể thay đổi tương lai của mình bằng cách giành chiến thắng trong một trận đấu duy nhất tại Wembley

Coventry và Luton có thể thay đổi tương lai của mình bằng cách giành chiến thắng trong một trận đấu duy nhất tại Wembley

Coventry và Luton có thể thay đổi tương lai của mình bằng cách giành chiến thắng trong một trận đấu duy nhất tại Wembley. Nhưng thắng – thua không phải là vấn đề. Hành trình của họ cũng đại diện cho một điều gì đó vĩ đại hơn, một biểu tượng của khả năng, của lòng đam mê, của thứ gọi là hi vọng. Sau tất cả những gì họ đã trải qua, bất cứ ai ăn mừng việc thăng hạng lên Premier League sẽ rất xứng đáng.

Tin cùng chuyên mục