Chơi nhiều quá cũng nản

Chơi nhiều quá cũng nản

Bóng đá Việt Nam “lên hương” có phần đóng góp lớn của các ông bầu. Chính xác là như vậy: các ông bầu. Khi bóng đá không phải là lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận, nếu các ông bầu không yêu bóng đá, không có chút “máu me” trong người thì thật khó để họ làm một cuộc “chơi bóng đá”. Nhưng vì là “chơi”, nhiều quá thì dễ chán.

Máu làm bóng đá như bầu Đức có lúc cũng cảm thấy ngán vì tốn quá nhiều tiền của.Ảnh: Hoàng Hùng

Máu làm bóng đá như bầu Đức có lúc cũng cảm thấy ngán vì tốn quá nhiều tiền của.Ảnh: Hoàng Hùng

Dân chơi” thứ thiệt ở làng cầu Việt Nam chắc chẳng ai qua nổi bầu Kiên. Chẳng có ông chủ đội bóng nào trên thế giới mà cứ ngồi ở khu kỹ thuật mỗi trận, lúc hứng chí hoặc bực bội lại lao ra giành lấy sa bàn làm thay việc của HLV như bầu Kiên.

Dám tuyên bố sẽ vô địch nhưng khi xuống hạng thì lại tỉnh queo. Một trận đấu chẳng có chút quan trọng nào ở giải hạng Nhất lại móc túi thưởng ngay 400 triệu đồng, trong khi phải thuyết phục lắm mới nâng mức thưởng cho một trận thắng trên sân khách ở V-League mùa này lên con số 500 triệu. Nên khi Hà Nội ACB thua liền 5 trận, coi như đã cầm vé về lại hạng Nhất, chẳng ai lấy làm bất ngờ. Lên hay xuống hạng đối với bầu Kiên, cũng chỉ là một kiểu dạo chơi.

Vì ông đang chán. Lúc mới làm bóng đá, ông bầu này hăng lắm. Khó cỡ nào cũng lao vào tranh luận. Sẵn sàng chi tiền mua ngôi sao. Thúc đội ngũ kinh doanh phải bán cho sạch các bảng quảng cáo trên sân. Lập ngay trang web và hội CĐV khí thế phừng phừng. Chẳng ai làm bóng đá chuyên nghiệp và quyết liệt như bầu Kiên, nhưng cũng chẳng ai xem nhẹ bóng đá chuyên nghiệp như ông này. Cũng vì ông chán!

Là dân kinh doanh, máu kiếm tiền có sẵn trong người. Lại kinh doanh đúng ngành chỉ liên quan đến tiền là ngân hàng, thế nên chắc chắn, trong cách nhìn về bóng đá của bầu Kiên dứt khoát phải có chữ tiền. Thế nhưng, gần 10 năm qua, chắc chắn cái ông nhận được vẫn là con số 0. Ban đầu còn hứng khởi, nhưng chẳng có ai mà máu kiếm tiền đang chảy trong người lại… chịu lỗ được cả.

Thành ra, nếu Hà Nội ACB thua tiếp, thua luôn đến hết lượt đi. Thậm chí thua đến cuối mùa thì chắc ông Kiên vẫn chẳng động đậy gì. Nếu phải bỏ thêm một đống tiền chỉ để trụ hạng, nếu chúng tôi không đánh giá sai, thì đối với bầu Kiên vẫn là không đáng.

Từ chuyện của bầu Kiên và Hà Nội ACB mới thấy việc bầu Hiển năm ngoái “bỏ” SHB Đà Nẵng, tập trung cho Hà Nội T&T (năm nay thì ngược lại) hoàn toàn lý giải được. Bầu Hiển cũng là dân kinh doanh tiền tệ. Ông làm bóng đá cũng vì mê, vì vui. Hết chơi cũng phải suy nghĩ lại khi đã có trong tay chức vô địch.
Bầu Thắng của Đồng Tâm Long An có khác một chút vì ông này còn làm bóng đá với mục đích chính trị nhưng dù sao, cũng đã ngưng đầu tư bóng đá một thời gian. Bầu Đức thì còn “máu” vì có liên quan đến Học viện HA.GL nhưng chất đam mê cũng nhạt nhiều...

Các ông bầu ấy là người làm nên bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Họ mê bóng đá nhưng vẫn là một nhà kinh doanh thuần túy. Họ có thể đạt được nhiều mục đích khác thông qua bóng đá, nhưng chung quy vẫn nghĩ rằng bóng đá cũng là một ngành kinh doanh, phải đẻ ra tiền. Thế nhưng, thời gian thì trôi qua mà những thứ làm ra tiền trong bóng đá Việt Nam vẫn cứ mịt mù.

Không phải họ không có những ý tưởng mạnh trong việc “lấy bóng đá, nuôi bóng đá”.

Như bầu Đức, ông này “bơm” cho Công ty thể thao HA.GL xấp xỉ 30 tỷ đồng để lấy vốn đó mà đầu tư trạm dừng chân, cây xăng và Học viện bóng đá để lấy tiền hoạt động. Bầu Thắng thì chú trọng khoản kinh doanh thị trường chuyển nhượng cầu thủ nhờ sự năng động của giám đốc Phạm Phú Hòa. Bầu Kiên dự kiến đầu tư sản xuất hàng thể thao để lấy lãi nuôi bóng đá, trong khi bầu Hiển dự định sẽ cho thuê khu huấn luyện tại Tiên Sơn - Đà Nẵng để có đồng ra, đồng vào. Thế nhưng, những dự án đó nói cho cùng, cũng chỉ là một cách thu tiền gián tiếp chứ chưa chắc liên quan mật thiết đến CLB.

Vì vậy, cũng thật khó trách vì sao Hà Nội ACB “thảm” đến thế, rồi Hà Nội T&T tuột dốc không phanh cũng như HA.Gia Lai, ĐT.Long An thất bại nhiều năm liền mà chẳng thấy các ông bầu “tự ái”. Khi niềm vui trôi qua, những cái còn lại không còn giúp cho họ có được sự hứng thú. Họ đã nản. Cứ như thế thì có nên đặt một câu hỏi: bóng đá Việt Nam đang… lâm nguy?

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục