Cuối cùng thì danh tánh của tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam cũng đã được xác định và chỉ còn chờ đợi buổi ký hợp đồng chính thức vào ngày mai. Nguyễn Hữu Thắng, cựu trung vệ đội SLNA sẽ trở thành HLV thứ 20 của đội tuyển Việt Nam tính từ năm 1991 đến nay, và là HLV nội thứ 12.
Đến nay, bài toán HLV nội hay ngoại vẫn cứ luẩn quẩn trong tầm nhìn của những nhà làm bóng đá Việt Nam. Nhất là từ sau thất bại tại SEA Games 2011 cùng sự ra đi của HLV F.Goezt, một cuộc khủng hoảng thực sự đã đến trong khu kỹ thuật của ĐTQG. Phương án sử dụng HLV trong nước đã được tính đến, những tưởng sẽ là định hướng dài lâu và lúc ấy bầu Hiển đã hào hứng cho hai HLV của mình là Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc vào ĐTQG và ĐT U.23.

HLV Nguyễn Hữu Thắng. Ảnh: Q.Minh
Nhưng liên tiếp trong hai năm 2012 và 2013, cả hai đội tuyển không thành công cùng sự ra đi một cách lặng lẽ của cả ông Hùng lẫn ông Phúc. Xen giữa hai nhà cầm quân này, lúc ấy còn có 1 HLV tạm quyền trong nước là Nguyễn Văn Sỹ…
Ở vào thời điểm ấy, những cái tên như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng và kể cả Đặng Trần Chỉnh, Hoàng Anh Tuấn cũng đã được tính đến. Nhưng điều lạ lùng là tất cả những trường hợp khi được tiếp cận hoặc “đánh tiếng” đều từ chối khéo. Nhất là Huỳnh Đức và Hữu Thắng, những người cùng thế hệ với Kiatisak khi mà danh thủ này bắt đầu những viên gạch để làm lại ĐT Thái Lan.
Phương án HLV ngoại đã được hô hào, và Miura đến rồi cũng chóng vánh đi sau khi thử sức ở các giải đấu AFF Cup, SEA Games và vòng loại World Cup chỉ trong một thời gian ngắn. Sự kiên nhẫn của những người quản lý tiếp tục lung lay, phương án “nội – ngoại” lại được so sánh và cuối cùng thống nhất về lại quan điểm cũ.
Cuối cùng thì Hữu Thắng cũng đã nhận lời và ắt hẳn, từ những kinh nghiệm của các nhà cầm quân trước đó, HLV này và VFF sẽ có những ràng buộc. Từ chuyện toàn quyền quyết định lực lượng, phát ngôn cho đến mục tiêu trong thời gian tới. Đã từng có nhiều thành công cùng bóng đá xứ Nghệ trong vai trò cầu thủ cũng như HLV, Hữu Thắng đang được nhiều người kỳ vọng ở lần xuất hiện này.
Ông đã kiên nhẫn từ chối lời mời từ nhiều CLB để rồi gật đầu với ĐTQG, có thể xem đấy là một quyết định mạo hiểm, nhưng với sự thận trọng như Hữu Thắng, ắt hẳn sẽ “được” nhiều hơn “mất” sau sự quyết định này. Việc kín tiếng trong những ngày qua cũng là một cách tiếp cận thận trọng của ông với giới truyền thông. Đó cũng là sự khác biệt với những nhà cầm quân trong nước trước đây.
Hoàng Giang
Xung quanh ghế HLV trưởng ĐTVN: Bụt nhà sẽ thiêng?
HLV Nguyễn Hữu Thắng sẽ chính thức trở thành thuyền trưởng đội tuyển Việt Nam sau buổi ký kết hợp đồng với VFF vào ngày 3-3-2016.
Bóng đá Việt Nam tính từ ngày quay lại với khu vực hồi SEA Games 16-1991 đến giờ đã trải qua nhiều đời thầy nội gồm Vũ Văn Tư, Nguyễn Sỹ Hiển, Trần Bình Sự, Trần Duy Long, Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc. Đấy là chưa kể các ông Lê Đình Chính, Nguyễn Thành Vinh, Trần Văn Khánh, Mai Đức Chung và Nguyễn Văn Sỹ từng làm “quyền” HLV trưởng. Song, không khó nhận ra các đời thầy nội từ 1991 đến 2013 đa phần gặp thất bại hơn là thành công, còn VFF thì loay hoay với phương án dùng thầy ngoại hay thầy nội.

Một đặc điểm với bóng đá Việt Nam là thầy ngoại thường có những ưu ái riêng trong công việc thì thầy nội bị ám ảnh bởi lý do đèn không thể chạy trước ô tô, còn thầy ngoại thì không ít lần xé rào vượt cấp. Những việc trên cho thấy “bụt chùa nhà không thiêng” nhiều hơn là bàn đến khả năng của thầy nội. Có một thời, chọn thầy nội cho đội tuyển đa phần kiêm nhiệm ở CLB và điều đó khó để cầu thủ tâm phục khẩu phục. Đấy là lý do các HLV đội tuyển khi thành lập danh sách hay dựa vào bộ khung từ đội bóng của mình như cách nói của nhiều người là “quân mình chiếm phần nhiều thì mới an toàn chiếc ghế”. Tóm lại, cái uy của thầy nội với các cầu thủ đã là nút thắt khó gỡ, chưa kể đến quyền hành của HLV nội so với thầy ngoại cũng không bằng.

Thầy nội lên nắm đội tuyển phải chịu áp lực cực lớn, khác xa so với việc cầm quân cho CLB khi chơi V-League. Có nghĩa rằng, mọi hành động của họ đều chịu sự dòm ngó từ nhiều phía xen lẫn sự gièm pha mà không phải ai cũng có thể vượt qua sức ép. Chuyện này thì đem hỏi ông Hoàng Văn Phúc hồi chuẩn bị và dự tranh SEA Games 27-2013 sẽ rõ. Hồi đấy, không ít lần ông Phúc “béo” than thở với người quen ở giới truyền thông là sức ép dồn về phía mình quá lớn. Nhất là thời điểm ông để cầu thủ toan tính ở BTV rồi bị cấp trên sa thải nhưng sau đó VFF lại tìm cách phục hồi chức tước… Nôm na là HLV nội luôn chịu sức ép từ dư luận và sức ép từ chính ông chủ VFF vốn đỏng đảnh của mình.

Người hâm mộ Việt Nam đang chờ làn gió mới từ vị tân HLV tuyển Việt Nam.
Chẳng như thời ông Weigang hay Calisto lên nắm đội tuyển, mỗi khi các ông gào thét, yêu cầu việc gì là được đáp ứng ngay còn trước đó thầy nội có yêu cầu cũng phải trải qua nhiều khâu, nhiều cửa. Có nghĩa rằng HLV ngoại thường có tiếng nói cao hơn so với thầy nội hay bị áp đặt ngược và có lúc bị xem là món hàng sử dụng hơn là quý trọng người tài kiểu như trải thảm.
Ngày mai thì bóng đá Việt Nam chính thức trở lại với thầy nội, đấy là điều đáng mừng. Đương nhiên là lúc này nhiều người tin rằng thầy nội Nguyễn Hữu Thắng sẽ thoát được nỗi lo “bụt chùa nhà không thiêng” như trước đó.
Tin là VFF ở giai đoạn mới với sự xắn tay của bầu Đức sẽ tạo ra luồng gió mới. Quan trọng nhất là thầy nội được trao quyền như thầy ngoại và cho họ được mặc đúng chiếc áo thuyền trưởng thì mới mong thầy nội phát tiết hết năng lực của mình để mang lại nhiều hiệu quả.
ĐỨC DŨNG
Ảnh: D.P. – Q.M.
Cần hoạch định chiến lược, lối chơi rõ ràng
Theo tôi thì việc Hữu Thắng nhận lời làm HLV cả hai đội tuyển trong lúc này là một tín hiệu tốt, vì đã đến lúc nên sử dụng nhân lực từ thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam. Thế hệ nay đã được đầu tư rất tốt, có thành tích cũng như xuất thân từ tuyển thủ quốc gia là một lợi thế lớn.

Nhưng về lâu về dài, chúng ta nên hoạch định chiến lược, lối chơi một cách rõ ràng để thuận lợi cho các nhà cầm quân. Ngay cả khâu tuyển chọn, đào tạo trẻ cũng tương tự. Thời gian qua chúng ta đã tập trung quá nhiều vào việc đua thành tích mà quên đi yếu tố này.
Mà để hoàn thiện vấn đề trên, cần thiết tìm một Giám đốc kỹ thuật giỏi để cùng phối hợp công việc với VFF.
Đoàn Minh Xương
Danh sách các HLV ĐTVN từ năm 1991 đến nay
Vũ Văn Tư (1991)
Nguyễn Sỹ Hiển (1991)
Trần Bình Sự (1993)
Trần Duy Long (1994)
Tavares (1995)
Weigang (1995-1997)
Trần Duy Long (1997)
Lê Đình Chính (1997)
Murphy (1997)
A.Riedl (1998-2000)
Dido (2001)
H.Calisto (2002)
Riedl (2003)
Nguyễn Thành Vinh (2004)
Tavares (2004)
Trần Văn Khánh (2004)
A.Riedl (2005-2007)
H.Calisto (2008-2011)
Mai Đức Chung (2011)
F.Goetz (2011)
Phan Thanh Hùng (2012)
Nguyễn Văn Sỹ (2013)
Hoàng Văn Phúc (2013-2014)
T.Miura (2014)