Vovinam - Tinh hoa võ Việt lan tỏa thế giới

Chắc gốc để vươn cao

Trước khi tính đến chuyện vươn xa tầm thế giới, phong trào phát triển Vovinam trong nước phải được xây dựng vững mạnh. Từ những gương mặt tài năng có niềm đam mê với võ Việt, học võ Việt và góp sức đưa môn võ của dân tộc sánh ngang cùng võ thuật thế giới.

Chắc gốc để vươn cao

TPHCM: Lá cờ đầu Vovinam cả nước

Sau năm 1975, TPHCM trở thành đơn vị tiên phong trong những hoạt động phát triển Vovinam, từ thử nghiệm các phương pháp mới cho đến xây dựng đội ngũ những võ sư, huấn luyện viên (HLV) nòng cốt của quốc gia, quốc tế. Qua nhiều năm, TPHCM được xem là lá cờ đầu về Vovinam của các nước, đội tuyển Vovinam TPHCM cũng là nhân tố chủ lực cung cấp lực lượng chuyên gia, HLV, VĐV cho đội tuyển quốc gia và lan tỏa phát triển phong trào vươn tầm quốc tế.

m6b-5846.jpg
Phong trào Vovinam học đường ngày càng phát triển với nhiều giải đấu được tổ chức thường niên. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Ông Nguyễn Bình Định - Phụ trách môn Vovinam TPHCM, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo TPHCM, chia sẻ: “Đội tuyển Vovinam TPHCM hiện có 15 HLV, 66 VĐV đang đóng quân ở Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ (quận 11). Quá trình tuyển chọn VĐV là một hành trình rất lâu dài thông qua hệ thống giải đấu trong năm. Vovinam TPHCM có được lực lượng từ các giải học sinh, trẻ, năng khiếu, vô địch; từ tuyển chọn VĐV ở các đơn vị tỉnh, thành khác...”.

Từ giải vô địch toàn quốc đầu tiên vào năm 1992, TPHCM đều giữ vững vị thế nhất toàn đoàn. Tuy nhiên, những năm gần đây, vị thế đó ngày càng bị đe dọa bởi các đơn vị khác cũng đang đầu tư và phát triển phong trào rất mạnh. Từ đây, công tác xây dựng lực lượng - tuyển chọn, quản lý, đào tạo và bồi dưỡng HLV, VĐV năng khiếu trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công tác quan trọng tiên quyết trong hệ thống tuyển chọn - đào tạo VĐV TPHCM. Cách duy trì phong trào mà TPHCM đang triển khai là ổn định hệ thống giải để thường xuyên phát hiện nhân tài.

Vào năm 2021, Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo TPHCM được thành lập, đã xây dựng định hướng, quy hoạch và kế hoạch phát triển phong trào. Qua đây, 22 quận, huyện, thành phố thuộc TPHCM đã đẩy mạnh việc tập luyện Vovinam, tạo nguồn VĐV liên tục cho đội tuyển thành phố. Từ siết chặt công tác đào tạo đến quản lý, huấn luyện, Vovinam TPHCM luôn sẵn sàng thi đấu và giữ vững vị thế bởi đây là một trong những yếu tố góp phần cho sự phát triển của Vovinam Việt Nam.

Phát triển nguồn lực từ học đường

Vào mỗi buổi chiều tối tại các trung tâm văn hóa, trung tâm TDTT, sân trường... ở các quận, huyện, thành phố Thủ Đức dễ dàng bắt gặp rất đông các bạn học sinh, sinh viên trong bộ trang phục màu xanh dương đang tập luyện Vovinam. Khác với Judo, Karate, Taekwondo..., Vovinam hấp dẫn giới trẻ không chỉ ở các đòn thế đấm, đá, đỡ, lao mà còn thu hút bởi các động tác kỹ thuật mang tính biểu diễn nghệ thuật cao.

Những thay đổi kịp thời theo xu thế phát triển của thể thao hiện đại và thể thao giải trí đang giúp Vovinam gần gũi hơn với giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, tạo nên sức sống mới cho phong trào Vovinam giai đoạn hiện nay. Đó chính là phong trào võ nhạc đang trở thành xu thế mới. Những bài võ nhạc được đưa vào học đường trong các bài thể dục giữa giờ được xem là thắng lợi lớn của môn võ này so với các môn thể thao khác.

“Trong quá trình phát triển chúng tôi có thuận lợi khi được Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM rất ủng hộ. Đối với chương trình võ nhạc, Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo TPHCM đã phối hợp cùng Liên đoàn Thể dục thành phố để soạn ra bài võ nhạc mẫu làm khung theo đúng tinh thần cốt lõi của môn võ, sau đó là một số nội dung sáng tạo thêm vào”, ông Nguyễn Bình Định nói. Sau khi tìm hiểu và tập luyện Vovinam thông qua võ nhạc, các võ sinh không chỉ được rèn luyện thể lực mà còn hướng đến những đạo lý làm người, thể hiện ở tinh thần tôn sư trọng đạo, tình nghĩa huynh đệ trên dưới một lòng.

Tương tự như cách làm của TPHCM, Liên đoàn Vovinam Việt Nam đã phát triển bộ môn ở khắp 63 tỉnh, thành phố và đẩy mạnh hơn nữa phong trào Vovinam trong học đường, nâng cao số lượng và chất lượng võ sinh. Nhiều năm qua, Liên đoàn Vovinam Việt Nam đã nỗ lực để đưa bộ môn vào chương trình giảng dạy trong học đường, trong đó xây dựng đề án trình Bộ GD-ĐT nhằm tạo nền tảng phát triển nguồn nhân lực VĐV từ khối tiểu học. Đồng thời, phối hợp để tổ chức khóa hướng dẫn viên Vovinam ngắn hạn cho 4 khu vực: miền Bắc, miền Trung Tây Nguyên, ĐBSCL, miền Đông Nam bộ. Ban Nghiên cứu khoa học và Ban Kỹ thuật đã đảm nhận đầu mối việc này với sự góp sức của nhiều võ sư, HLV tâm huyết và nhiều nhà giáo, nhà khoa học TDTT.

Ông Trần Văn Mỹ, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Vovinam Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới cho hay: “Một mục tiêu mà Liên đoàn Vovinam Việt Nam quyết tâm thực hiện chính là xây dựng Học viện Vovinam, dự kiến đặt ở TPHCM. Nơi đây hứa hẹn sẽ là địa điểm đào tạo Vovinam không chỉ cho các võ sinh Việt Nam mà cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại đây, các võ sư sẽ nghiên cứu kỹ thuật, đòn thế Vovinam theo định hướng khoa học, từ đó phát triển bộ môn để góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp nhất của Việt Nam đến bạn bè trên khắp năm châu”.

Tin cùng chuyên mục