Canh bạc chuyển nhượng và mùa giải lịch sử của Arsenal

Vậy là đã tròn 20 năm kể từ mùa giải thần thánh bất bại cũng như lần cuối cùng mà Arsenal vô địch ngoại hạng Anh. Nếu lịch sử có tính chu kỳ, thì đây sẽ là mùa bóng mà HLV Mikel Arteta nghĩ đến việc sánh ngàng với bậc danh sư của mình – “Giáo sư” Arsene Wenger.
Canh bạc chuyển nhượng và mùa giải lịch sử của Arsenal

Mùa trước sẽ có nhiều người tiếc Pháo thủ đã bỏ lỡ cơ hội vô địch, nhưng công bằng mà nói đó chưa phải là một Arsenal hoàn thiện. Kể cả khi bổ sung vài cái tên giàu kinh nghiệm ở kỳ chuyển nhượng giữa mùa thì sự tích lũy của Arsenal vẫn chưa đủ. Nhưng như đã thấy, “ép” được đội quân hùng mạnh của Pep Guardiola đến những chặng cuối cũng đã là thành công với Arsenal. Điều quan trọng là họ cho thấy mình đã sẵn sàng cho tham vọng.

Arsenal khởi đầu bằng chiến thắng trước Man.City ở trận Community Shield, nhưng đây không phải là dấu hiệu quan trọng. Người ta nói có “lời nguyền Community Shield” bởi Pep là HLV đầu tiên thua liền 3 trận tranh Siêu cúp nước Anh kể từ …. Sir Alex. Chỉ có 1 trong số 12 đội từng thắng chiếc cúp đầu mùa này sau đó vô địch Anh. Không nói đâu xa, Arsenal đã giành được Community Shield vào năm 2020 và chỉ đứng thứ 8 ở mùa giải đó. Tóm lại, chẳng có gì để nói về chiến thắng hôm Chủ nhật vừa qua cả. Mùa giải bây giờ mới bắt đầu, từ trận đấu với Nottingham Forest.

“Đây là những gì tôi đã hình dung khi gia nhập” Declan Rice nói về danh hiệu đầu tiên. Tất nhiên là Arsenal muốn tuyển thủ trị giá 105 triệu bảng - kỷ lục CLB - của họ nói về cái gì đó lớn lao hơn, nhưng có lẽ cũng nên thông cảm cho Rice: Tiền vệ này hiện chỉ mới có 2 danh hiệu là Europa Conference League và Community Shield. Không quá danh giá nhưng cũng là danh hiệu. Vấn đề là Declan Rice cho đến bây giờ vẫn đang là “canh bạc” của HLV Arteta, người đang muốn xây dựng hệ thống tuyến giữa cực mạnh.

Rice,Havertz và Timber cùng danhhiệu đầu tiên ở Arsenal

Rice,Havertz và Timber cùng danhhiệu đầu tiên ở Arsenal

Rice thi đấu kỷ luật và siêng năng ở hàng tiền vệ nhưng một trận ra quân lại không thể hiện được nhiều. Trong phần lớn các trận đấu, anh là một tiền vệ phòng ngự đơn độc, thay vì ăn ý với Thomas Partey. Trong khi đó, Kai Havertz được mua về để hoạt động ở hàng tiền vệ và thay thế cho Gabriel Jesus bị chấn thương trên hàng công. Người ta vẫn là Havertz như lúc ở Chelsea: di chuyển thông minh, gây sức ép mãnh liệt, dứt điểm … thiếu hiệu quả. Arsenal khởi sắc mùa trước nhờ khả năng ghi bàn của nhiều cầu thủ. Bukayo Saka, Gabriel Martinelli và Martin Odegaard đều ghi 14 hoặc 15 bàn ở Premier League. Sự có mặt của Rice cùng Harertz được hiểu như bổ sung thêm nguồn lực cho hàng tấn công. Nhưng nếu họ chỉ là phiên bản của trận Community Shield thì phải xem lại, vì sự tác động không nhiều dù tổng giá trị của họ là 170 triệu bảng.

Trong khi đó, sự bổ sung Jurrien Timber ở khu vực phòng thủ lại đáng giá. Việc Arteta mua Timber và đang theo đuổi thêm thủ thành David Raya là dấu hiệu cho thấy nhà cầm quân người Tây Ban Nha nhận thức rất rõ những điểm yếu của mùa trước đó là sự thiếu chiều sâu đội hình. Arteta muốn có cùng 2 nhân sự chất lượng trên mỗi vị trí, và Arsenal sẳn sàng đáp ứng mọi yêu cầu. Nếu Arsenal mùa trước thiên về sự mạo hiểm và phấn khích đầy năng lượng ở tuyến trên thì có lẽ đội bóng mùa này phải thể hiện thể lực, sự vững chắc và bản lĩnh hơn trước Man.City. Họ cần chiều sâu để khi cần có thể thay đổi lối chơi. Đá gần 40 trận mỗi mùa thì không thể dùng một bài duy nhất.

Arsenal đã đánh bại Liverpool, Man.United, Tottenham và Chelsea ở mùa giải trước, giành được 19 điểm trong tổng số 24 điểm có thể trước các đối thủ này nhưng lại không thể làm điều đó trước Man.City. Cái giá phải trả quá đắt, chức vô địch vụt khỏi tầm tay bởi các trận cầu 6 điểm. Đó là những kiểu trận đấu chỉ cần hòa là thành công, những trận đấu của sự toan tính chứ không phải của trái tim lãng mạn... Bài học ấy Arteta và các học trò của mình phải ghi nhớ.

Tin cùng chuyên mục