
Người ta thường nói: bóng đá góp phần đem lại hòa bình, hoặc bóng đá giúp các thế lực thù địch chấm dứt xung đột. Nhưng bóng đá lại chính là một thành phần quan trọng không thể không nhắc đến trong những ngày qua, trong cơn khủng hoảng chính trị ở Ai Cập. Nói cách khác, có một mối quan hệ chặt chẽ giữa bóng đá và chính trị khi người Ai Cập biểu tình hòng lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak. Đến khi LĐBĐ Ai Cập tuyên bố hoãn tổ chức mọi trận đấu để hóa giải những cuộc tụ tập giúp nước này giảm bớt phần nào tình trạng hỗn loạn, thì đấy hóa ra chỉ là một nỗ lực quá yếu ớt, cũng quá muộn mằn.

Xung đột trong trận Al-Ahly (Ai Cập) và JS Kabylie (Algeria) tại Champions League châu Phi hôm 15-8 năm ngoái
Một trong những thành phần chủ lực, tham gia tích cực nhất vào những cuộc biểu tình yêu cầu Tổng thống Mubarak từ chức, chính là các nhóm cổ động viên cực đoan, hay còn gọi là những nhóm ultras, khét tiếng trong làng bóng Ai Cập. Thủ lĩnh của một nhóm như vậy, Alaa Abd El Fattah, hào hứng phát biểu trên đài truyền hình Al Jazeera: “Các nhóm cổ động viên cực đoan của chúng tôi đóng một vai trò quan trọng hơn bất kỳ nhóm chính trị nào trong những ngày này”. Rồi anh ta nói đùa: “Có lẽ nên để các nhóm cổ động viên cực đoan điều hành đất nước này”.
Sự liên quan của các CLB bóng đá đối với cơn khủng hoảng chính trị ở Ai Cập không chỉ giới hạn bởi việc tham gia biểu tình của các nhóm cổ động viên cực đoan. Tình trạng này còn khẳng định lần nữa rằng bóng đá chính là lối thoát duy nhất cho thành phần dân nghèo và giới trẻ ở Ai Cập. Kể cả khi người Ai Cập biểu tình đòi lật đổ tổng thống, dân nghèo và giới trẻ cũng dùng bóng đá như một phương tiện hữu hiệu.
Giới quan sát phân tích: những cuộc biểu tình được tổ chức chặt chẽ nhất, quy mô nhất trong những ngày qua ở Cairo chính là những cuộc biểu tình được tiến hành bởi các nhóm cổ động viên có tổ chức, nhất là các nhóm ultras. Rút kinh nghiệm từ Ai Cập, chính quyền Libya trong những ngày qua đã chỉ thị cho LĐBĐ nước này chấm dứt ngay các trận bóng đá để ngăn ngừa hậu họa. Đã xuất hiện nhận định: sau Hosni Mubarak ở Ai Cập có thể là Moammar Gadhafi ở Libya. Các nước Hồi giáo khác như Algeria, Jordan, Yemen đều đang ở trong tình trạng căng thẳng tương tự, với các nhóm cổ động viên bóng đá chính là đối tượng cảnh giác hàng đầu của cảnh sát. Algeria cũng đã tạm hoãn nhiều trận bóng đá.
Vai trò quan trọng của các CLB bóng đá tại Ai Cập cũng chính là một phần lịch sử của nước này. Al Ahly là CLB nổi tiếng nhất. Khi thành lập đội vào năm 1907, họ chọn cái tên như vậy vì Al Ahly nghĩa là “quốc gia”. Bản doanh của CLB Al Ahly cũng chính là bản doanh của các tổ chức chống lại sự bảo hộ của Anh, và chống chủ nghĩa thực dân nói chung. Mối quan hệ chặt chẽ giữa bóng đá và chính trị ở CLB Ai Cập luôn là mối quan hệ bền vững suốt hơn 100 năm qua. Cách đây vài năm, khi ngôi sao Mohamed Aboutrika ghi bàn cho Al Ahly, anh ta lập tức kéo áo để lộ dòng chữ trên chiếc áo thun bên trong, với khẩu hiệu “hướng về dải Gaza”.
Ngoài chuyện tích cực tham gia các hoạt động chính trị, các nhóm cổ động viên bóng đá trở nên nổi bật trong những ngày biểu tình vừa qua ở Ai Cập còn vì “lý do kỹ thuật”. Còn ai hơn được các nhóm cổ động viên cực đoan về kinh nghiệm chiến đấu trên đường phố hoặc đối phó với cảnh sát? CLB Al Ahly đã đưa ra một tuyên bố rất “lợi hại” trên mạng: đội bóng không chính thức tổ chức biểu tình, nhưng không cấm các cổ động viên có thẻ của họ tham gia biểu tình.
TIỂU QUYÊN