Nội dung của chiến lược không nhắc nhiều đến vấn đề tài chính để thực hiện. Điều này không bất thường bởi đã là bóng đá chuyên nghiệp, phải theo nguyên tắc “lấy mỡ nó, rán nó”. Hơn nữa, ngành thể thao nói chung, bóng đá đã và đang chiếm đến 70% nguồn lực, từ cơ sở vật chất do Nhà nước đầu tư đến đóng góp từ kinh tế xã hội. Tóm lại, bóng đá phải tự làm ra tiền để phát triển.
Được ưu đãi
Trên thực tế, không có CLB chuyên nghiệp nào tại Việt Nam sở hữu sân bóng đá riêng. Họ được thuê lại từ địa phương với một chi phí mà đa phần đã được cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ rất nhiều. Xin nhớ, dù chiếm diện tích lớn nhưng sân bóng đá hiện tại chỉ được khai thác khi có trận đấu diễn ra, trong khi các cơ sở thể thao khác như nhà thi đấu còn đem lại doanh thu từ nhiều nguồn khác.
Rõ ràng, bóng đá đã được ưu đãi quá lớn nhưng nguồn thu từ chính sân bóng đá hầu như không có. Đây chính là điểm yếu của bóng đá Việt Nam bởi trong tỷ trọng doanh thu từ bóng đá chuyên nghiệp, riêng những hoạt động liên quan đến sân bóng (vé, quà lưu niệm, thuê mặt bằng, tổ chức sự kiện, đào tạo…) đã chiếm đến 30%.
Trong bối cảnh nguồn thu từ bản quyền truyền hình tại Việt Nam đang ở mức độ manh nha thì việc bỏ qua các khoản thu từ cơ sở vật chất được ưu đãi nói trên cũng là một cách mà bóng đá đang lãng phí nguồn lực xã hội. Chính vì thế, sau khi trao quyền điều hành các giải đấu cho VPF, hiện VFF chỉ nhận được khoảng chừng 10 tỷ đồng/năm từ thương quyền các giải đấu. Con số này chỉ tăng lên nếu VPF có doanh thu cao, nhưng rõ ràng đây là điều khó xảy ra.
Riêng ở cấp độ đội tuyển quốc gia, toàn bộ việc khai thác thương quyền do VFF sở hữu. Vậy nhưng “con bò sữa” này hiện cũng chỉ đem lại cho VFF trên dưới 10 tỷ đồng mỗi năm. Thực tế cho thấy, hiện các đội tuyển quốc gia chỉ nhận được sự tài trợ của 4 doanh nghiệp nước ngoài với số tiền khá khiếm tốn. Ngoài khoản tài trợ này ra, việc khai thác thương quyền đội tuyển hầu như bỏ trống dù VFF đã được ưu đãi tiền thuê sân, chi phí truyền hình và cả sự ủng hộ của các địa phương mỗi khi đội tuyển quốc gia thi đấu.
Theo báo cáo tài chính của 3 nhiệm kỳ gần nhất, năm nào ngân sách hoạt động của VFF cũng ở trong tình trạng “ăn đong”. Nhờ sự hỗ trợ của FIFA, AFC nên tổ chức này mới có trụ sở và trung tâm đào tạo trẻ tại Mỹ Đình như hiện nay.
Không thể chờ xổ số bóng đá
Vì nguồn thu hạn chế và có nguy cơ thiếu hụt nên cứ nhắc đến việc tạo nguồn thì VFF lại đề cập đến “xổ số bóng đá” dù khách quan mà nói, nếu hoạt động này được Chính phủ cho phép thì số tiền mà bóng đá Việt Nam được nhận cũng không nhiều, bởi nếu có thì chủ yếu là cá cược quốc tế và các hoạt động thể thao khác chứ bóng đá nội địa khó đủ sức để thu hút người chơi.
Bởi nói cho cùng, người ta chỉ tham gia cá cược (hoặc xổ số bóng đá) nếu như họ quan tâm đến bóng đá nội địa. Trong khi hiện việc bỏ tiền mua vé (dù rất rẻ) cũng đang khiến người hâm mộ phân vân. Chất lượng trận đấu giảm, tiêu cực tiềm ẩn, đến sân xem còn phải lưỡng lự thì làm sao mua sản phẩm lưu niệm, nói gì đến chuyện mua xổ số bóng đá.
Chúng tôi cho rằng, chờ đợi việc cho phép xổ số bóng đá để tạo nguồn thu chỉ là một cách nói tránh né của những nhà quản lý. Bản thân các cơ quan quản lý cũng khá cân nhắc trong việc thông qua đề án xổ số thể thao vì thực tế cho thấy VFF chưa đủ năng lực tạo nguồn và quản lý tài chính từ những thứ đang có sẵn, làm sao bảo đảm họ sẽ điều hành tốt một lĩnh vực nhạy cảm như cá cược.
Việt Quang
|
|