ASIAD 19: VĐV Yemen ở Hàng Châu - chia rẽ vì chiến tranh, đoàn kết thống nhất nhờ thể thao

Chưa giành được tấm huy chương nào ở kỳ ASIAD 19 đang diễn ra tại Hàng Châu, nhưng các VĐV người Yemen đang tìm thấy cơ hội cùng đoàn kết - thống nhất thông qua thể thao, sau khi bị chia rẽ vì tình trạng chiến tranh tại quê nhà. Một nhân viên giao bình gas ở thành phố Yemen do chính phủ kiểm soát học cách sinh hoạt và thi đấu bên cạnh một người giao thức ăn nhanh ở Sanaa, nơi phiến quân nắm quyền...
Đoàn thể thao Yemen diễu hành trong lễ khai mạc ASIAD 19
Đoàn thể thao Yemen diễu hành trong lễ khai mạc ASIAD 19

Yemen đã rơi vào tình trạng chiến tranh suốt từ năm 2014 đến nay, giữa các lực lượng trung thành với chính phủ, được quốc tế công nhận và phiến quân Houthi. Cuộc chiến đẫm máu này đã cướp đi sinh mạng của... hàng trăm ngàn con người.

Hiện tại, theo Trưởng đoàn thể thao Yemen, ông Abdel Sattar al-Hamadani, đoàn thể thao Yemen tham dự Asian Games đang diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) là dấu hiệu duy nhất cho thấy... sự đoàn kết thống nhất của đất nước.

“Chúng tôi đã diễu hành ra SVĐ sau một biểu ngữ duy nhất ở buổi lễ khai mạc Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19”, ông Al-Hamadani (kiêm Chủ tịch Hiệp hội bóng rổ Yemen) đã chia sẻ với AFP, “Thể thao đã phải trả một cái giá quá nặng nề cho chiến tranh”.

Cũng theo như lời ông Al-Hamadani, thể thao Yemen đến Trung Quốc tham dự ASIAD 19 không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào, ngoài sự trợ giúp của IOC và các Ủy ban Olympic của các quốc gia châu Á. Họ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức để đến Hàng Châu.

Said al-Khodr, một võ sĩ môn judo đến từ thành phố Aden, đã phải phân chia thời gian rạch ròi giữa tập luyện và mưu sinh. Buổi sáng, anh làm việc để kiếm sống và chỉ có thể bước ra tập luyện vào buổi chiều, qua đó, mới góp mặt trong đoàn thể thao Yemen.

“Tình yêu thể thao vẫn chảy xuôi trong huyết quản của tôi. Dù vậy, tôi phải làm việc cật lực từ sáng đến 3 giờ chiều, tôi cõng bình gas trên lưng để đi giao hàng ở khắp nơi trong thành phố”, Al-Khodr cho biết.

“Sau đó, tôi tắm rửa một chút và đi đến buổi tập luyện judo của mình, địa điểm tập luyện cách nhà tôi khoảng 9-10 cây số gì đó”, người đàn ông mới 19 tuổi, nhưng đã kịp là ông bố một con nói về ngày bình thường của bản thân mình.

Al-Khodr cho biết, anh thường phải xin đi nhờ xe để đến địa điểm tập luyện vì kinh phí trợ cấp đi lại của CLB judo nơi anh theo tập vốn không đủ để trang trải chi phí di chuyển hàng ngay cho chính bản thân anh.

Nền kinh tế của Yemen đã lâm vào khủng hoảng rất tồi tệ - kể từ khi lực lượng Houthi chiếm giữ thành phố Sanaa hồi tháng 9-2014, khiến lực lượng liên minh quân sự do Arabia Saudi dẫn đầu phải can thiệp vào tháng 3-2015.

Al-Khodr cho biết, có một thời điểm anh đã tính đến chuyện buông bỏ thể thao vì gặp phải quá nhiều khó khăn, và thách thức, bao gồm cả một lần suýt... mất mạng khi mà mảnh bom rơi xuống xung quanh chiếc xe anh đang di chuyển.

“Tôi đã cho người khác đồng phục thể thao của mình, vì tôi không thể chịu nổi khi nhìn thấy nó được treo trong nhà. Tôi tập trung vào công việc trong khoảng 5 - hay 6 tháng trời, rồi một ngày, tự nhiên đôi chân lại đưa tôi đến CLB, thế rồi, tôi lại phải trả 300 đô la cho một bộ động phục mới”, Al-Khodr kể về niềm đam mê thể thao khó cưỡng.

Yussef Iskander, một VĐV khác trong đoàn thể thao nhỏ xíu của Yemen (chỉ có vỏn vẹn 20 VĐV, chỉ đông hơn Syria - 7 người, Brunei - 11 người) lại mang đến ASIAD ở Hàng Châu một câu chuyện nguy hiểm tương tự, thậm chí còn hơn!

Một quả đạn pháo phát nổ thời điểm anh rời khỏi hội trường tập luyện wushu. Tuy vậy, một mảnh đạn pháo đã xuyên qua chân anh, một mảnh khác giết chết người đồng đội của anh, còn mảnh thứ 3 cắt cụt chân một người đồng đội khác. Vụ nổ xảy ra ở Taez, một thành phố nằm ở phía Tây Nam bán đảo Ả rập.

“Bởi vì chấn thương, tôi đã phải dừng tập luyện suốt từ năm 2015-2021. Nhưng giờ đây thì, cuối cùng tôi cũng được giương cao lá cờ Yemen ở ASIAD tại Hàng Châu, tất cả là nhờ vào thể thao”, Iskander tâm sự.

Từng đoạt HCB ở Đại hội thể thao Ả rập diễn ra tại Beirut (Liban) hồi năm 2014, anh Iskader chỉ có thể tập luyện khoảng... 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Anh đang chờ đợi đứa con thứ 2 ra đời và có rất nhiều việc phải lo.

“Chủ nhà Trung Quốc vốn đã chuẩn bị cho Á vận hội được hơn 1 năm rưỡi, còn chúng tôi mới chỉ chuẩn bị được 1 tháng ở đây”, Iskander chia sẻ về những khó khăn mà anh và các VĐV đồng hương phải trải nghiệm.

Iskander từng từ chối ý định đi định cư ở nước ngoài, nhưng võ sĩ judo Abdalla Faye (năm nay 29 tuổi) muốn thoát khoải quê hương vốn đang bị tàn phá khủng khiếp bởi chiến tranh suốt 9 năm trời qua.

Faye, người thi đấu ở nội dung -73 kg, đã bị loại ngay từ vòng sơ loại và chỉ xếp hạng 17/22 VĐV tham dự, thừa nhận: “Tôi luôn phải đi tập trong tình trạng kiệt sức. Điều đó không giúp tôi chuẩn bị tốt cho các giải đấu lớn”.

Công việc hàng ngày của Faye là giao đồ ăn sẵn và làm cả nhân viên bảo vệ ở Sanaa, thủ phủ của phiến quân. Anh nói về ước mơ đi nước ngoài: “Tôi muốn đi sang Pháp, nơi tôi có thể tập luyện judo một cách chuyên tâm và phát triển. Nhưng tôi không có tiền”.

Dù thành tích ở ASIAD Hàng Châu với thể thao Yemen là rất ảm đạm, ông Al-Hamadani vẫn hy vọng thể thao nước nhà có thể được tham gia đấu trường Olympic tại Paris vào mùa Hè năm sau. Ông nói rằng, thể thao Yemen đã nhận được lời mời trong các môn điền kinh, quyền Anh và bơi lội.

Nếu có thể rời khỏi Yemen để đến Pháp, Al-Hamadani sẽ có thể thực hiện mơ ước dành cho đoàn thể thao Yemen. Vấn đề là, ở Yemen có rất ít phi trường, nhưng lại có quá nhiều chốt kiểm soát được các phe phái quân sự dựng lên để kiểm tra tình trạng đi lại của người dân giữa các khu vực kiểm soát khác nhau.

Tin cùng chuyên mục