Tỷ phú người Nga đang nắm 30% cổ phần tại Arsenal, Usmanov vừa lên tiếng ủng hộ HLV Wenger khi đánh giá chiến lược gia người Pháp là người cần được giữ lại ở sân Emirates hơn bất kỳ ai bất chấp uy tín của “Giáo sư” đang xuống thấp nghiêm trọng.
Sự ủng hộ của một cổ đông lớn tại một CLB vừa quan trọng nhưng đôi khi không có nhiều tác dụng nếu như từ nay đến cuối mùa bóng, ông Wenger không tạo ra nét đặc biệt nào cho Arsenal. Với những CLB đại chúng có quy mô toàn cầu như Arsenal, tiếng nói của người hâm mộ mới là thứ quyết định.

Wenger vẫn đang nhận được nhiều sự ủng hộ tại Arsenal
Hơn nữa, những lý do mà ông Usmanov đưa ra khá… trừu tượng. Theo ông này, Arsenal cần ông Wenger bởi đây là “một biểu tượng” là là "người dẫn lối”. Chưa hết, theo tỷ phú người Nga, kết quả thi đấu của Arsenal khá chắc chắn khi luôn đứng trong tốp đầu của giải ngoại hạng.
Thế nhưng, đấy mới lại là vấn đề chính, là nguyên nhân khiến các CĐV Arsenal không còn đủ kiên nhẫn với HLV Wenger. Chính việc luôn có mặt trong tốp dẫn đầu nhưng 13 năm qua vẫn không có danh hiệu mới là điều bất thường. Chính việc ông Wenger là “một biểu tượng”, qua đó nhận lương đến 8 triệu bảng nhưng vẫn chưa thể đem lại chức vô địch Anh kể từ sau năm 2004 khiến người ta có cảm giác mọi thứ chỉ có đi xuống hoặc đi ngang chứ khó mà tiến lên.
* * *
Trong khi đó, theo phân tích của ESPN, sự mất kiên nhẫn đối với ông Wenger đến từ những thay đổi gần đây tại Arsenal khi ông để cho Mertesacker ngồi ngoài nhiều hơn, đưa Elneny vào đá ở tuyến giữa, dùng Welbeck chia sẻ trách nhiệm trên hàng công và thử nghiệp Iwobi ở vị trí tổ chức. Đó là dấu hiệu cho thấy ông Wenger đã bỏ cuộc ở mùa này, bắt tay chuẩn bị cho mùa sau và không hề có dấu hiệu nào của một sự tăng cường lực lượng mà chỉ cố sử dụng những người… chưa sử dụng. Nói cách khác, ông Wenger không thay đổi gì cả, vẫn cố chứng minh những gì mình đang có trong tay là đúng, là tốt. Và có thể, đây chính là điều mà những cổ đông như Usmanov mong muốn chăng?
Trong 3 năm qua, Arsenal đã bắt đầu bung két mua cầu thủ nhưng số người được mua lại không nhiều bằng số bản hợp đồng được gia hạn. Điều này cũng đồng nghĩa chi phí tiền lương tăng cao hơn nhưng chưa chắc đội hình đã mạnh hơn. Về mặt tài chính, cách làm này khá khoa học nhưng xét ở khía cạnh bóng đá, nó chẳng đem lại điều gì mới mẻ cả.
Với 11 điểm ít hơn Leicester, cũng chẳng còn trận đối đầu trực tiếp nào với 2 đội đang xếp trên mình, chỉ có may mắn mới giúp Arsenal đăng quang sau 12 năm trắng tay. Có thể nói, đây là mùa giải thất bại của Arsenal chứ khó có thể xem là "thành công chắc chắn” như Usmanov nói. Hơn nữa, ông Wenger đã là một biểu tượng của hơn 10 năm trước và cũng đã “dẫn lối” cho Arsenal đi qua thời kỳ khó khăn nhất, lẽ ra đã đến lúc phải thay đổi mới đúng.
Đăng Linh