Xét trên mọi khía cạnh, K.Kiên Giang “xứng đáng” phải đá hạng nhất. Về chuyên môn, họ từng bị xuống hạng về mặt kỹ thuật trước khi xảy ra sự cố XMXT.SG bỏ giải. Về mặt tư cách, họ chưa hoàn thành những tiêu chí và qui định của một CLB chuyên nghiệp. Thế nhưng, vấn đề là ai sẽ ký quyết định liên quan đến số phận của CLB này.
|
Sau những lùm xùm chuyện nợ lương cầu thủ, liệu mùa bóng tới VPF có còn để K.Kiên Giang tiếp tục thi đấu? Ảnh: Phi Hải |
Đây chính là điểm “hay” nhất của bóng đá Việt Nam. Như đã nói ở trên, CLB K.Kiên Giang không có bất kỳ tiêu chuẩn nào để trở thành một trong 14 đội đá V-League mùa tới thế nhưng, từ các nhà quản lý và chính CLB này, chẳng ai chấp nhận chuyện Kiên Giang sẽ đá hạng nhất mùa sau.
Hài hước ở chỗ đó, cứ như chuyện đá V-League là một đặc ân có 1 không 2 và không còn cơ hội nào khác để có được vậy. Dù hơn ai hết, chính K.KG là ví dụ tiêu biểu nhất cho chuyện nếu có quyết tâm, từ chỗ vô danh vụt lên V-League là chuyện hoàn toàn có thể. Bao nhiêu năm nhẫn nại ở hạng 3, rồi hạng nhì cũng đủ để họ điềm tĩnh làm lại từ đầu, thế nhưng chẳng hiểu sao không có lãnh đạo nào của đội bóng này dũng cảm ký lá đơn xin được đá hạng nhất nhằm bảo toàn danh dự cũng như giữ lại được chút nền tảng mà làm lại. Không lẽ, họ chỉ chấp nhận hoặc là đá V-League, hoặc… xóa sổ luôn một lần cho xong?
Còn nữa, VPF vốn là nơi “khốn khổ” nhất trong việc các CLB “tự dưng biến mất” ở đầu mùa giải trước. Chính họ hiểu rất rõ đá bóng thì phải cần có tiền trong khi Kiên Giang thì đang thiếu tiền đến mức có 1-2 tỷ thôi mà lo còn không xong. VPF cũng chắc chắn hiểu rằng, nếu có qua được khúc quanh này thì Kiên Giang cũng chỉ là con thuyền trong bão ở mùa giải tới, tức là mối hiểm họa vẫn đang rình rập. Vậy nhưng, VPF cũng chẳng muốn chính mình ký vào tờ giấy “khai tử” suất V-League của K.Kiên Giang.
o0o
Tất nhiên, phía sau tình huống hài hước ấy là chuyện rất đau lòng của bóng đá Việt Nam. Nó cho thấy, từ CLB đến các nhà quản lý hình như chẳng ai thật sự nắm kỹ thế nào là bóng đá chuyên nghiệp. Phía K.KG, chuyên nghiệp với họ được hiểu nôm na là cứ đá tốt ở hạng nhất thì tự động mà lên V-League. Đã lên rồi thì chẳng việc gì phải xuống nếu không phải vì lý do chuyên môn. Tóm lại, K.KG làm bóng đá chuyên nghiệp theo những suy nghĩ đơn giản nhất. Nhưng đâu chỉ có mỗi mình họ, không ít CLB chuyên nghiệp hiện nay, bề ngoài thì có vể khác chút chút chứ trong ruột, có lẽ chẳng tốt hơn Kiên Giang là mấy.
Phía VPF, họ là những người điều hành, lẽ ra, họ rất cần những thành viên của mình chuyên nghiệp để tiện công tác quản lý, tránh các rắc rối. Thế nhưng, chính VPF lại cứ tự chui mình vào cái vòng luẩn quẩn: Một đằng thì hô hào chuyên nghiệp, một đằng thì cứ sợ đụng chạm, ảnh hưởng đến công tác tổ chức và uy tín của chính mình. Xét ở khía cạnh nào đó, VPF chưa thể gọi là một công ty chuyên nghiệp nếu như họ chẳng thể giải quyết các vấn đề mang tính nguyên tắc như vậy.
Cuối cùng, cái quan trọng nhất là ý thức chuyên nghiệp trong bóng đá Việt Nam quá kém. Như đã nói, đá hạng nhất đâu phải là chuyện gì quá tệ đến mức cứ né tránh cho bằng được. Đá hạng nhất không có nghĩa là CLB không chuyên nghiệp và ngược lại, chơi V-League thì đâu thể vỗ ngực cho rằng mình chuyên nghiệp.
Hồ Việt