Hai năm sau khi Arsenal du đấu tại Việt Nam, nếu không có gì thay đổi thì đội bóng 2 lần vô địch giải ngoại hạng Anh là Man.City sẽ đến Hà Nội thi đấu giao hữu với tuyển Việt Nam vào ngày 27-7 tới. Đây rõ ràng là một tin vui cho người hâm mộ Việt Nam, tuy nhiên nếu chuyến du đấu của Arsenal có liên quan đến sự phát triển của Học viện Bóng đá HA.GL - Arsenal JMG thì lần viếng thăm của Man.City chưa rõ sẽ đem lại cho bóng đá Việt Nam điều gì, ngoài yếu tố thương mại của CLB này cũng như đối tác phía Việt Nam là ngân hàng SHB.
Sở dĩ đặt vấn đề trên bởi kể từ khi thành công với chiếc HCB ở SEA Games 1995 đến nay, bóng đá Việt Nam đã giao lưu nhiều hơn, rộng hơn với bóng đá thế giới. Chúng ta cũng đã đón nhiều tên tuổi lớn từ cấp độ tập thể như CLB Juventus, Ajax, Olympic Brazil… cho đến những cá nhân nổi tiếng như David Beckham, Canavaro, Kompany… Tuy nhiên, những gì mà họ để lại cho bóng đá Việt chỉ mới dừng ở mức độ quảng bá hình ảnh, giá trị thương mại hơn là những mục đích bóng đá rõ ràng.

Hy vọng qua chuyến du đấu của Man.City, bóng đá Việt Nam sẽ được hưởng lợi về công tác đào tạo cầu thủ trẻ.
Vấn đề là xung quanh các chuyến viếng thăm đó, bao giờ người ta cũng cố tình lồng vào yếu tố bóng đá nhưng thực tế cho đến nay, chỉ có mỗi Học viện HA.GL -Arsenal JMG đạt được mục tiêu này. Ngược lại, người hâm mộ Việt Nam từng nghe nhiều lời hứa sẽ có “một phần” Bayern Munich, Inter Milan, Barcelona… ở Việt Nam trong công tác đào tạo trẻ, nhưng rồi chưa thấy đâu.
Ai cũng biết, để có những chuyến viếng thăm như vậy, phía Việt Nam phải bỏ ra hàng đống tiền. Nói như vậy không có nghĩa là lãng phí, bởi dù sao các sự kiện như vậy cũng là sự quảng bá hình ảnh cho đất nước, con người Việt Nam, tiêu biểu như trường hợp “Running man” Vũ Xuân Tiến chẳng hạn. Tuy nhiên, một khi đã tốn tiền mời họ sang đây thì có lẽ cũng cần phải xúc tiến thêm các hoạt động hợp tác về bóng đá, đặc biệt là khâu đào tạo trẻ và quản lý bóng đá chuyên nghiệp.
Ví dụ như trường hợp của Man.City sắp đến, sẽ là cơ hội rất quý cho bóng đá Việt Nam khi đội bóng này vừa khánh thành trung tâm huấn luyện lớn nhất nước Anh, trị giá đến 350 triệu bảng với mục tiêu phát triển hệ thống đào tạo trẻ toàn cầu. Nếu sau khi đưa được họ sang Việt Nam, SHB mà đứng đầu là “bầu” Hiển - người được cho là sở hữu của các CLB HN T&T, SHB Đà Nẵng, QNK Quảng Nam, CLB Hà Nội, yêu cầu họ giúp đỡ xây dựng phân nhánh đào tạo có tiêu chuẩn thế giới tại Việt Nam thì tốt biết bao nhiêu. Rõ ràng, chính thành công của Học viện HA.GL - Arsenal JMG đã cho thấy nếu chúng ta có mối quan hệ với các CLB như vậy thì bóng đá Việt cũng vừa được có tiếng lẫn miếng.
VIỆT QUANG
- Thông tin liên quan: