Xin lỗi, chúng tôi không thể xin lỗi được!

Xin lỗi, chúng tôi không thể xin lỗi được!

Khi dạy trẻ con phép cư xử văn minh lịch sự, những từ đầu tiên mà người lớn nhắc tới là “xin lỗi” và “cảm ơn”. Đó là hai từ thường dùng nhất. Bây giờ đã lớn, người viết bài này vẫn còn nhớ như in lời thầy cô và bố mẹ dạy dỗ từ bé: Khi có ai tặng ta quà, khi có người nhặt giùm đồ vật ta đánh rơi, khi có người chỉ đường, chỉ nhà giùm ta, khi có người nhường chỗ cho ta ngồi trên xe hoặc trong rạp hát, khi người bán hàng trao cho ta món hàng ta mua, v.v... nói chung, hễ ai giúp đỡ ta, không kể đó là việc lớn hay việc nhỏ, ta đều nên “cảm ơn” để bày tỏ mối cảm kích của mình.

Xin lỗi, chúng tôi không thể xin lỗi được! ảnh 1

“Bây giờ chúng ta oẳn tù tì xem có nên xin lỗi người hâm mộ hay không há?”.

Từ “xin lỗi” cũng vậy. Rủi va phải người khác, rủi chạy xe dưới trời mưa làm té nước vào người bên cạnh, thậm chí khi đi ngang qua trước mặt một khán giả trong rạp hát hay trong sân vận động để vào chỗ ngồi, ta nên “xin lỗi”. Làm chuyện sai trái hoặc gây thất vọng, tổn thương cho người khác, ta càng phải “xin lỗi”.

“Cảm ơn” và “xin lỗi” là hai từ phổ biến và thông dụng, là những từ ta nói hằng ngày trước bao nhiêu tình huống trong cuộc sống, thậm chí những từ đó buột ra một cách tự nhiên như một phản xạ đạo đức. Thông thường, chỉ cần quan sát một người quen hay không quen nói các từ “xin lỗi”, “cảm ơn”, ta có thể đánh giá được người đó đã hấp thụ một nền giáo dục như thế nào.

oOo

Cũng như “cảm ơn”, “xin lỗi” là từ quen thuộc làm sao, đẹp đẽ làm sao và dễ nói làm sao. Vậy mà lạ thay, với các quan chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), có vẻ như đó là từ rất khó nói, thậm chí căn cứ vào thái độ lưỡng lự của các vị, có cảm giác đó là từ khó nói nhất trong kho tàng từ vựng tiếng Việt.

Đội tuyển Việt Nam chơi bết bát và thất bại te tua tại Tiger Cup trên sân nhà, làm thất vọng hàng triệu trái tim của người yêu bóng đá (chưa nói đến vụ Letard sau đó), một vị lãnh đạo nào đó của VFF đứng ra xin lỗi người hâm mộ là chuyện tưởng rất tự nhiên và chính đáng. Thế mà các vị cứ đùn đẩy, dùng dằng làm như “xin lỗi” là từ cấm kỵ và việc nói ra cái từ đó nguy hiểm ngang với việc ợ ra một phát đại bác không bằng.

Thật nực cười khi các quan chức VFF, trước yêu cầu của báo chí và người hâm mộ, vẫn cứ khất lần khất lữa để chờ “hội ý tập thể” xem có nên “xin lỗi” hay không. Trong cuộc họp Ban chấp hành VFF mới đây, ngay cả chủ tịch Mai Liêm Trực, người tôi cho là hiểu biết và dũng cảm nhất trong các quan chức chóp bu của VFF, lạ thay, cũng tuyên bố phải chờ đưa cái việc “xin lỗi” đó vào Nghị quyết của Ban chấp hành rồi mới “xin lỗi” được. Cách hành xử bình thường về văn hóa và đạo đức bỗng bị “hành chánh hóa” một cách kỳ quặc đến không thể hiểu nổi.

oOo

Một tiếng “xin lỗi” cỏn con mà phải chờ ý kiến tập thể, chờ Ban chấp hành ra nghị quyết, trong khi những chuyện tày đình như vụ bầu chọn cầu thủ vàng 50 năm, vụ Letard thì các vị đâu có thèm đưa ra Ban chấp hành; chỉ vài ba người trong thường vụ tùy tiện bàn thảo và quyết định với nhau, hậu quả là mọi chuyện tầy huầy ra như một quả trứng ung bị vỡ.

Điều đó thật ra là gì? Chẳng qua các quan chức chóp bu của VFF xưa nay vẫn quen xem Ban chấp hành như một công cụ, khi cần thì mượn làm bung xung, khi không cần thì phớt lờ, xem các ủy viên không hơn một thứ bù nhìn giữ ruộng dưa.

Cuối cùng, cho đến hôm nay mà các quan chức VFF vẫn không có một lời xin lỗi chính thức nào đưa ra với người hâm mộ cả nước, cảm thấy khó khăn hoặc ngại ngùng khi phải hành xử như một người có văn hóa thì trong Đại hội VFF tới đây, việc bầu chọn ai vào Ban chấp hành, có lẽ các đại biểu cần phải xét thêm các khía cạnh khác bên cạnh khả năng chuyên môn để chọn ra được những người vừa có tài vừa có tâm vừa có phép ứng xử coi sao cho được. Chứ hổng lẽ mỗi khi có chuyện cần phải xin lỗi thì lại xin lỗi theo kiểu: Xin lỗi, chúng tôi không thể xin lỗi được!

* Tin giờ chót: tối 21-1, sau khi kết thúc Hội nghị Ban Chấp hành VFF, Chủ tịch LĐBĐVN Mai Liêm Trực đã chính thức đưa ra lời xin lỗi trước người hâm mộ cả nước về thất bại của đội tuyển bóng đá Việt Nam tại Tiger Cup 2004, cũng như về những sai sót của VFF trong thời gian qua. Dù muộn màng, nhưng có còn hơn không! 

CHU ĐÌNH NGẠN
 

Tin cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Medvedev lại vượt qua một trận đấu khó khăn khác, dù không đánh mất ván đấu nào

Indian Wells: Vượt qua chấn thương và đổ máu, Daniil Medvedev thắng trận 18 liên tiếp và lọt vào BK

Không đánh mất ván đấu nào, nhưng cũng rất không dễ dàng, đó là những gì vừa xảy ra với Daniil Medvedev ở trong trận đấu tứ kết giải Indian Wells - BNP Paribas Open 2023 chống lại Alejandro Davidovich Fokina . Medvedev đã đánh bại đối thủ hạng 28 thế giới người Tây Ban Nha với điểm số 6-3 và 7-5 sau 104 phút đồng hồ, trận đấu mà anh không chỉ chống lại đối thủ bên kia lưới mà còn cả chấn thương mắt cá chân và bị ngã chảy máu ngón tay...

Bóng đá trong nước

U23 Việt Nam rèn chiến thuật trước trận gặp Iraq

Sau buổi tập sáng 19-3 với mục đích chính là để các cầu thủ thả lỏng, phục hồi sau khi di chuyển từ Việt Nam sang, vào buổi chiều cùng ngày, toàn đội đã bước vào buổi tập chính thức đầu tiên để chuẩn bị cho trận gặp Iraq.

Bóng đá quốc tế

Barca ngược dòng thắng Siêu kinh điển, tiến sát chức vô địch

Chức vô địch lần đầu tiên kể từ năm 2019 đã gần hơn bao giờ hết với Barcelona sau chiến thắng 2-1 trong trận El Clasico trên sân Camp Nou. Với 12 điểm kém hơn, Real Madrid đã thấy cơ hội bảo vệ danh hiệu là bất khả thi khi mùa giải chỉ còn 12 lượt đấu.

Quần vợt

Indian Wells: Vượt qua chấn thương và đổ máu, Daniil Medvedev thắng trận 18 liên tiếp và lọt vào BK

Không đánh mất ván đấu nào, nhưng cũng rất không dễ dàng, đó là những gì vừa xảy ra với Daniil Medvedev ở trong trận đấu tứ kết giải Indian Wells - BNP Paribas Open 2023 chống lại Alejandro Davidovich Fokina . Medvedev đã đánh bại đối thủ hạng 28 thế giới người Tây Ban Nha với điểm số 6-3 và 7-5 sau 104 phút đồng hồ, trận đấu mà anh không chỉ chống lại đối thủ bên kia lưới mà còn cả chấn thương mắt cá chân và bị ngã chảy máu ngón tay...