1. Đầu năm 2014, U.19 Việt Nam thua đậm 0-7 trong giải giao hữu tại sân Thống Nhất. Đến tháng 9, chỉ thua 0-1 ở trận chung kết U.19 Đông Nam Á. Sang tháng 10, tại VCK U.19 châu Á lại thua 1-3 nhưng cách thua cũng đã khít khao hơn chứ không vỡ trận.
Rồi như một cái duyên, đến năm 2015, đội U.22 để thua Nhật Bản trong vòng loại U.23 châu Á. Đầu năm 2016, là kỳ tích dự World Cup của Futsal Việt Nam khi đánh bại Nhật Bản tại tứ kết. Ngày hôm nay, đến lượt U.19 lại đối đầu với Nhật Bản ở trận bán kết giải U.19 châu Á.

Năm 2014 tại VCK U.19 châu Á, Việt Nam lại thua 1-3 trước Nhật Bản Ảnh: Minh Hoàng
Nhân cái duyên gặp Nhật Bản, có nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Thứ nhất, do liên tục gặp một đối thủ trên nhiều cấp độ khác nhau, rất dễ để đánh giá một cách tương đối đúng về trình độ bóng đá Việt Nam. Ở đây có thể thấy khoảng cách giữa chúng ta và một trong những nền bóng đá lớn nhất châu lục đã có những thu ngắn nhất định, ít nhất là ở lứa tuổi trẻ. Đây là điều đáng mừng cho bóng đá Việt Nam bởi cái nền vẫn được duy trì ổn định chứ không đến mức “thảm họa’ như một vài “chuyên gia” nhận định.
Thứ hai, việc liên tục gặp Nhật Bản cho thấy quá trình hội nhập bóng đá thế giới ngày càng gần hơn. Tất nhiên những cuộc gặp gỡ ấy Việt Nam đều ở thế yếu nhưng các va chạm này đều có giá trị. Chính vì thế, thay vì nghĩ đến chuyện “đá đẹp… rồi thua”, hãy thay đổi quan điểm để tận dụng mỗi trận đấu là một cơ hội để thu hẹp khoảng cách, nhất là khía cạnh tâm lý, bản lĩnh thi đấu.
2. Cũng liên quan đến việc gặp lại Nhật Bản, có thể thấy từ năm 2014 đến nay, bóng đá Việt Nam lần lượt dự các VCK Asian Cup lứa tuổi U.16, U.19, U.23 và sắp đến có thể là cả Asian Cup của đội tuyển quốc gia. Riêng với bóng đá nữ và futsal, tầng suất dự giải châu lục còn cao hơn.
Đây chính là cơ sở mà chúng tôi cho rằng nên quên ngay việc tìm cách đoạt HCV SEA Games, một sân chơi còn kém hơn giải U.19 châu Á. Rõ ràng, chuyện giành vé dự các VCK châu Á giờ đây không còn là chuyện hiếm, đồng nghĩa với các đối thủ của chúng ta đều ở cấp độ cao hơn, mục tiêu phấn đấu cũng nhiều hơn. Trên thực tế, việc vượt qua vòng đấu bảng của các giải châu lục đều đã được thực hiện ở cấp độ U.16, U.19 và đội tuyển (Asian Cup 2007), như vậy đã đủ cơ sở để hướng đến những mục tiêu này thường xuyên hơn, giảm bớt các trận thua nặng ở sân chơi này.
Không ai lại đi lấy việc dự cúp châu Á hay sắp đến là World Cup để “rèn quân” cho SEA Games cả, phải là ngược lại mới đúng. Nói như vậy để thấy chuyện giành HCV SEA Games hay vào bán kết AFF Cup gần như là nhiệm vụ chứ không nên xem đấy là mục tiêu cho mỗi kỳ tham dự. Có như vậy thì cơ hội có được đẳng cấp.
Tương tự, trận bán kết với Nhật Bản hôm nay, thắng hay thua không quan trọng bằng thái độ thi đấu của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn. Hãy khen họ nếu tiếp tục một lối chơi phòng thủ-phản công để đối phó với Nhật Bản. Đơn giản, như thế có nghĩa là họ hãy còn “tham lam” lắm.
VIỆT LONG
Tiếp tục tạo địa chấn?
Cuối cùng thì thầy trò đội tuyển U.19 Việt Nam đã hoàn thành ước mơ World Cup với thành tích bất bại xuyên suốt từ vòng bảng đến nay, một thành tích được xem là rất ấn tượng ở sân chơi lớn như vậy.
Đêm nay, Việt Nam sẽ đối đầu cùng một thử thách khác, đó chính là Nhật Bản. Đối thủ lớn thực sự đã từng gây nhiều khổ sở cho lứa đàn anh Công Phượng, Tuấn Anh cách đây hai năm. HLV Hoàng Anh Tuấn cùng các học trò sẽ có trận đấu đáng nhớ, đó là trận tranh bán kết với một trong những đội mạnh nhất của châu Á.
Chính sự thoải mái về mặt tâm lý cùng tinh thần đang lên sẽ giúp các cầu thủ Việt Nam không căng thẳng khi nhập cuộc. Tuy nhiên, ở vào tâm lý “bay bổng” như trên, nếu không siết lại kỷ luật chiến thuật thì sẽ khó để hy vọng gây tiếp bất ngờ. Nhất là đối thủ là đội có hàng công rất mạnh, họ ghi 10 bàn thắng từ đầu VCK đến nay, trong đó có 8 bàn xuất phát từ những bài phối hợp tấn công trung lộ.
Hệ thống phòng ngự chắc chắn của Việt Nam từng làm nhiều đối thủ phải lắc đầu thán phục. Nhưng trước đội bóng có hàng tấn công đa dạng như Nhật Bản thì nếu không cẩn thận sẽ rất nguy hiểm cho khung thành thủ môn Tiến Dũng. Nhất là sự nhạy bén của bộ đôi Yoto Iwasaki và Koki Ogawa. Mặt khác, Nhật Bản cũng đang nóng lòng muốn xóa “dớp” khi mà họ đã 6 lần lọt vào trận chung kết sân chơi này, và cả 6 lần đều về nhì.
HLV Hoàng Anh Tuấn đã cảnh báo với các học trò: “Nhật Bản là đội bóng rất mạnh, ai cũng biết. Nhưng khi bóng chưa lăn, chưa thể nói điều gì. Chưa ra sân chúng ta đã nghĩ không thể đánh bại họ, thì làm sao có thể thắng. Tất cả nằm ở thái độ và khát khao chiến đấu”.
|
HOÀNG GIANG