Gần hết đợt tập trung đầu tiên cho chiến dịch AFF Cup 2014, tuyển Việt Nam vẫn chưa lộ diện đội trưởng. HLV Miura muốn “thi tuyển” hay đơn giản, ông thầy người Nhật này đang chứng tỏ, ông mới là số 1 ở tuyển Việt Nam.

Ông Miura đang cân nhắc “chọn mặt gửi vàng”. Ảnh: Minh Hoàng
Đua tam mã
Đến giờ, tuyển Việt Nam mới lập ra ban cán sự, cùng ông Miura và ê-kíp trợ lý phụ trách đội. Ba cái tên được chọn mặt gửi vàng là Tấn Tài, Công Vinh, Phước Tứ. Đấy cũng là 3 trụ cột từng đưa tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup 2008. Dù vậy, ông Miura vẫn chưa quyết định, ai đeo băng thủ quân của tuyển Việt Nam. Cách ông Miura thực hiện cũng giống hệt Van Gaal kỳ cựu làm khi vừa cầm quân ở Manchester United.
Thật ra thì chiếc băng thủ quân tuyển Việt Nam đang là cuộc đua tam mã giữa Tấn Tài, Công Vinh, Phước Tứ. Điều lạ lùng chỉ ở chỗ, ông Miura từng giao cho Tấn Tài giữ vai trò này khi tuyển Việt Nam đối đầu với Myanmar, nhưng lúc này lại bất ngờ lưỡng lự. Phải chăng ông Miura muốn thay đổi cán cân quyền lực?
Trong 3 cái tên trong đường đua, Tấn Tài là người duy nhất từng giữ băng đội trưởng tuyển Việt Nam. Tiền vệ của B.Bình Dương này nhận lại tấm băng thủ quân kể từ sau AFF Cup 2012. Công Vinh, Phước Tứ dù kỳ cựu, đóng góp cho tuyển Việt Nam không kém, nhưng lại không có duyên với chiếc băng thủ quân. Họ thường chỉ đóng vai đội phó, nhận lại tấm băng thủ quân trong thời gian ngắn, khi Tấn Tài hay những đội trưởng trước đây như Minh Phương, Tài Em, Minh Đức bỏ lại.
Ông Miura hẳn nhiên phải có toan tính khi cân nhắc chuyện chọn ai làm đội trưởng. Đó phải là thủ lĩnh có tiếng nói về chuyên môn hay trong phòng thay đồ. Ở AFF Cup 2012, tuyển Việt Nam ít nhiều đã mắc sai lầm, bởi Minh Đức không phải là người có tiếng nói đủ sức thuyết phục trong phòng thay đồ, dù rằng trung vệ người xứ Nghệ này được đánh giá rất cao về tư cách đạo đức.

Ông Miura mới là số 1?
Màn ra mắt trước Myanmar, ông Miura lúc ấy còn bỡ ngỡ, dò xét và quan trọng, ông thầy người Nhật có quá ít thời gian để chứng tỏ. Nhưng đợt tập trung lần này, phong cách hay cá tính của ông Miura ít nhiều đã bộc lộ. Một ông thầy có bộ dạng nhỏ thó, thậm chí hơi khắc khổ, nhưng không khi nào để thua kém bất kỳ ai ở đội tuyển.
Quỹ thời gian vừa qua, ông Miura quần quật lo cho tuyển Việt Nam lẫn Olympic Việt Nam. Nhưng chẳng có một lời kêu than từ ông thầy người Nhật, thậm chí ngay cả khi ê-kíp trợ lý cũng chỉ là những người “tầm tầm”, ông Miura cũng tỏ ra bình thản. Ngay hình ảnh ông Miura không chịu thua học trò trong cuộc chạy bền trên sân tập, dù số tuổi của ông gấp đôi nhiều học trò cũng đủ thấy, ông thầy người Nhật đang muốn chứng tỏ vị trí số 1 ở tuyển Việt Nam.
Có một điều đáng chú ý: từ sau khi HLV Calisto rời ghế thuyền trưởng, tuyển Việt Nam chưa có một ông thầy đủ sức tạo ảnh hưởng về quyền lực, vai trò lớn với cầu thủ. Falko Goetz có tính cách độc đoán, nhưng lại tỏ ra yếu bóng vía khi ra trận mạc, đặc biệt là có sự bấp bênh với các trợ lý. Đời HLV Phan Thanh Hùng hay Hoàng Văn Phúc lại có cảm giác, họ để khoảng cách với cầu thủ quá “gần”, cho nên mới thiếu sự quyết liệt khi cần.
Ông Miura bây giờ chưa chọn thủ quân cho tuyển Việt Nam. Và ông thầy người Nhật đang lặng lẽ chứng minh từ công việc như cách lạt mềm buộc chặt. Bởi ông phải là số 1 ở tuyển Việt Nam, chứ không phải những cái tên có thể nắm “3 chân ghế” của ông thầy.
Thanh Chi