Nạn bạo lực trên sân cỏ Việt Nam đã được báo động hơn 3 năm qua. Dư luận liên tục nói đến việc cầu thủ bây giờ thích đánh nhau nhiều hơn đá bóng, tuy nhiên các nhà quản lý thể thao và đặc biệt là bóng đá lại chưa có động thái quyết liệt nào để ngăn ngừa.
Sự cố đánh trọng tài nữ tại một giải đấu cấp phong trào ở TPHCM mới đây cho thấy bạo lực sân cỏ đã thực sự là một “khối u ác tính”, không cương quyết cắt bỏ không được. Chính phó ban tổ chức giải đấu, cựu trọng tài FIFA, ông Lương Thế Tài phải thốt lên: “Theo tôi thì đây là vụ việc lớn không chỉ ở Việt Nam. Tôi chưa bao giờ thấy hình ảnh cầu thủ nam lại hành hung trọng tài nữ bao giờ”.
Có một thực tế cay đắng là cầu thủ từ chuyên nghiệp đến phong trào đã vào sân là sẵn sàng gây gổ. Chỉ cần va chạm nhẹ cũng lao vào nhau để ăn thua đủ. Trọng tài chỉ cần thổi phạt (chưa cần biết đúng sai) là cầu thủ kéo nhau vây quanh tranh cãi dữ dội. Tại V-League 2011, số thẻ phạt tăng đến mức chóng mặt khiến ban tổ chức phải ra thông báo cảnh báo ngay khi mới đá được 3 vòng đấu. Các cầu thủ càng mất kiểm soát trên sân, cổ động viên trên khán đài càng dễ xảy ra bạo loạn. Mùa trước, giới truyền thông từng có ý kiến nghiêm túc rằng có nên dừng tổ chức thi đấu bóng đá hay không khi mà khả năng điều hành của ban tổ chức có quá nhiều bất cập. Giải đấu chuyên nghiệp mà còn như thế, làm sao quản lý nổi tình trạng bạo lực ở cấp độ phong trào.
Trên thực tế, các chế tài trong bóng đá khá mơ hồ và không đủ tính chất răn đe, ngăn ngừa các hành vi côn đồ trên sân cỏ. Ví dụ như trường hợp tấn công trọng tài Mai Hoàng Trang, ngoài việc cấm thi đấu vĩnh viễn những người trực tiếp ra tay, cần có hướng phối hợp với những cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm dân sự, thậm chí là hình sự bởi đó là hành động gây nguy hiểm cho tính mạng người khác.
Bất kỳ ban tổ chức giải đấu nào cũng mời nhiều cơ quan chức năng tham gia nhưng việc xử phạt cao lắm cũng chỉ là cấm thi đấu. Vì vậy bạo lực sân cỏ đã trở thành một khối u về mặt đạo đức, nhân cách.
Việt Quang