Cơ hội nào cho Son?
Không giành được HCV ở Asiad lần này, với Son, đâu phải là thứ gì đó “tận cùng thế giới”. Cùng lắm, anh chỉ phải đi lính mà thôi, và nói như “thần tiễn thủ” Lee Woo-Seok: “Nhập ngũ chẳng hoàn toàn là tồi tệ. Tất cả mọi đàn ông Hàn Quốc đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo bất kỳ cách nào. Tôi sẽ quay lại quân ngũ, phục vụ đất nước theo khả năng tốt nhất của mình”.
Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là, Son “bắt buộc phải nhập ngũ”. Anh mới tròn 26 tuổi. Anh còn khoảng thời gian từ đây đến 28 tuổi để thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình. Cũng có nghĩa là, anh vẫn còn thời gian để tận dụng những cơ hội khác hòng được miễn trừ nghĩa vụ quân sự, trong trường hợp, anh để thua trận chung kết vào ngày mai.
Theo The Sun, Tottenham sẽ tạo điều kiện cho cầu thủ con cưng của họ, dù 2 bên đã có thỏa thuận: “Nếu Son tham gia Asiad, anh sẽ không được góp mặt trong đội hình ĐTQG Hàn Quốc từ đây cho đến hết mùa giải năm nay, kể cả việc anh được triệu tập tham gia Asian Cup 2019 (sẽ diễn ra ở UAE từ ngày 5-1-2019 đến ngày 1-2-2019)”.
Có lẽ, nhận thức được những khó khăn mà Son đang phải đối mặt, nên Tottenham sẽ không triệt đường anh chăng? Nếu là như vậy, Son sẽ có thêm cơ hội ở Asian Cup vào năm sau, thậm chí có thêm cơ hội ở Olympic Tokyo 2020. Tuy nhiên, điều quan trọng là, anh tận dụng cơ hội đó như thế nào, anh thi đấu như thế nào bên cạnh các đồng đội của mình.
Vì hiện tại, tâm lý của anh đang rất dao động. Anh khóc nhè như con nít sau World Cup 2018 kém thành công, anh không dám nhìn người đồng đội sút phạt 11 mét ở Asiad, và anh ăn mừng như thể Hàn Quốc vừa vô địch thế giới sau khi đánh bại Olympic Việt Nam ở bán kết. Anh có đủ bản lĩnh cho trận chung kết. Và nếu không, ai dám chắc, anh đủ bản lĩnh cho những cơ hội sau?
Trải nghiệm của Ki
Ki Sung-Yeung, một cầu thủ nổi tiếng khác của Hàn Quốc, hiện đang khoác áo CLB Newcastle United cũng ở giải Premier League, đã kể về những trải nghiệm trong quân ngũ của mình, một điều rất… có ích dành cho Son: “Chúng tôi phải thức dậy vào lúc 6 giờ sáng mỗi ngày và trải qua những ngày thật dài. Tôi ném lựu đạn, những quả lựu đạn thật và nổ ầm ầm. Bạn phải chui vào một phòng đầy hơi gas với mặt nạ phòng độc trên đầu. Bạn cũng phải hành quân đi khắp mọi nơi. Đó là huấn luyện thật sự”.
Dù sao, Ki cũng dành sự tôn trọng cho nghĩa vụ này: “Đó là thứ gì đó mà tất cả chúng tôi phải tôn trọng. Sẽ là không công bằng, nếu nói rằng chúng tôi là những cầu thủ nổi tiếng và không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sonny (tên thân mật của Son) và tôi không thể được đối xừ một cách đặc biệt chỉ vì chúng tôi là những cầu thủ ở Premier League
Người nổi tiếng Hàn Quốc đối mặt với NVQS như thế nào?
Những nhân vật thể thao nổi tiếng khác ở Hàn Quốc đều có những cách hành xử rất riêng khi đối mặt với nghĩa vụ quân sự. Chống đối, hay trốn tránh, đều không mang đến những kết quả tốt đẹp. James Hoare, một chuyên gia về Bán đảo Triều Tiên cho biết: “Anh càng nổi tiếng thì càng khó thoát khỏi những chuyện này. Đương nhiên, không có hệ thống luật lệ nào trên thế giới là không có sơ hở. Nhưng nghĩa vụ quân sự được xem như là một phần cực kỳ quan trọng để bạn thể hiện sự tận tụy với nước nhà và việc cố gắng thoát khỏi nó xem chừng chẳng có gì đáng lạc quan”.
“Phục vụ trong quân ngũ vừa là vinh dự, vừa là bổn phận. Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa là bạn đã được nhìn nhận như là một người đàn ông Hàn Quốc thật sự, và rằng bạn đặt quyền lợi đất nước từ sâu thẳm trái tim cho dù bạn có một mái tóc dài hay những đôi giày bóng đá ma thuật. Quân đội là một tổ chức rất quyền lực. Họ không ủng hộ bạn, đơn giản chỉ vì bạn giàu có hay có ảnh hưởng lớn”, Hoare cho biết thêm.
Hãy xem những nhân vật thể thao nổi tiếng của Hàn Quốc hành xử như thế nào khi đối mặt với nghĩa vụ quân sự:
- Năm 2012, tiền đạo Park Chu-Young (sau đó gia nhập Arsenal) sử dụng một giấy phép cư trú mà anh nhận được ở Monaco để trì hoãn thời gian 10 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hành động của Park đã khiến dư luận Hàn Quốc nổi giận và anh phải gánh chịu rất nhiều chỉ trích khi quay về quê nhà. Anh bị loại khỏi ĐTQG, phải trở về Seoul và nói lời xin lỗi và kể từ đó trở đi, chính quyền Hàn Quốc siết chặt những lý do liên quan đến nơi cư trú.
- Baek Cha-Seung, một VĐV bóng chày nổi tiếng từng chơi cho CLB Seattle Mariners và San Diego Padres hồi giữa những năm 2000, đã quyết định từ bỏ quốc tịch Hàn Quốc để xin quốc tịch Mỹ, hòng tiếp tục được thi đấu và không phải về nước thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau đó, nỗ lực xin lại quốc tịch Hàn Quốc của anh hồi đầu năm nay đã bị chính quyền Hàn Quốc từ chối thẳng thừng.
- Hồi năm 2017, golf thủ Bae Sang-Moon (từng nằm trong tốp 100 của PGA Tour) có nói rằng, việc đang định cư ở Mỹ có nghĩa là anh nên được trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Hàn Quốc, cho đến khi sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của anh kết thúc. Một Tòa án ở Daegu đã bác bỏ luận điểm này, và Bae phải bỏ ra 2 năm "lăn lê bò toài", làm một chiến sĩ bắn súng trường trong lực lượng Quân đội Hàn Quốc. Bae sau đó tâm sự: “Ngay từ cái ngày trở thành binh nhì, sau đó được thăng hạng… binh nhất và cho đến tận ngày cuối cùng trong quân ngũ, tôi chỉ muốn được giải ngũ ngay lập tức. Tôi chỉ muốn được tham gia các giải đấu, được ngủ ở nhà và lái xe đi đây đi đó!”.