
Đây là một kỳ bầu chọn đầy thử thách cho những người tham gia khi hầu như không có ngôi sao nào thật sự nổi bật ở một năm không có những tập thể nổi bật. Đội tuyển Việt Nam không thành công tại AFF Cup 2010. HN T&T lên ngôi V-League nhờ lối chơi tập thể. SHB Đà Nẵng và Bình Dương cũng chưa đạt được kỳ vọng ở AFC Cup. Chưa hết, năm 2010 còn bị xem là “năm xui” của một loạt ngôi sao như Công Vinh, Việt Thắng (chấn thương), Thành Lương (thẻ đỏ tại AFF Cup)…
Nhưng đã là bầu chọn thì cũng phải có người chiến thắng. Thành ra, dù đây là một năm rất khó cho việc chọn lựa nhưng lại có thể sẽ dễ dàng. Dễ vì có rất ít ứng cử viên. Cho đến thời điểm này, cũng chỉ nổi bật 2 cái tên: Phạm Thành Lương và Nguyễn Minh Phương.
Chủ nhân của giải thưởng năm rồi, Phạm Thành Lương đã có một mùa bóng lẽ ra là mỹ mãn nếu không có chiếc thẻ đỏ trong trận bán kết lượt về AFF Cup. Anh là linh hồn giúp đội HN ACB thăng hạng V-League, là đội trưởng của đội U-23 lần đầu tiên lọt vào tứ kết Asiad 16, là lựa chọn ưu tiên trong sơ đồ chiến thuật của ông Calisto tại đội tuyển quốc gia. Rất tiếc là anh lại không thể hiện nhiều ở sân chơi lớn nhất trong năm và đội tuyển Việt Nam không bảo vệ thành công chức vô địch Đông Nam Á.
Dù sao, từ khi nhận danh hiệu Quả bóng vàng 2009 đến nay, Thành Lương vẫn giữ được phong độ của cầu thủ số 1 trong năm. Chiếc thẻ đỏ tại AFF Cup chỉ là một thời khắc không may.

Thành Lương (giữa) và đàn anh Minh Phương (phải) trong màu áo đội tuyển quốc gia. Ảnh: NGUYỄN ĐẠT
Nguyễn Minh Phương là một trường hợp khác. Nếu được bầu chọn, Phương sẽ cùng Nguyễn Hồng Sơn (năm 2000), Lê Huỳnh Đức (2002) là những người nhận giải lớn tuổi nhất (30 tuổi). Ở độ tuổi đó, ngoài yếu tố tài năng, còn là sự tri ân của cộng đồng bóng đá với những cống hiến trong sự nghiệp cầu thủ đó. Xét trên 2 yếu tố như vậy, Minh Phương thật xứng đáng.
Không có một thành tích cụ thể nào nhưng 2010 lại là năm cực kỳ đặc biệt trong cuộc đời cầu thủ của Nguyễn Minh Phương. Anh trở lại đội tuyển quốc gia dù đã nói lời chia tay, sau khi ông Calisto nhất mực muốn có anh dù chỉ cần đá với 60% năng lực.
Đơn giản vì ở mùa V-League 2010, Minh Phương rất xuất sắc cùng ĐT.LA tạo nên kỷ lục về điểm số ở giai đoạn 2 của mùa giải, qua đó từ chỗ suýt xuống hạng để vươn lên hạng 5 chung cuộc.
Với vai trò đội trưởng, Minh Phương đã chơi trọn vẹn các trận đấu của đội tuyển quốc gia tại AFF Cup. Phong độ chói sáng của anh khiến không ai tin rằng anh đã 30 tuổi và phải thi đấu với chấn thương kinh niên ở vùng lưng.
Người ta còn nhớ đến Minh Phương trong năm 2010 khi anh chia tay ĐT.LA, đội bóng mà 8 năm trước đã mua anh với giá chuyển nhượng kỷ lục thời đó là 400 triệu đồng, cũng là nơi mà Minh Phương có đủ mọi danh hiệu. Anh ra Đà Nẵng theo lời mời của đàn anh Lê Huỳnh Đức.
Năm 2002, sau khi đoạt quả bóng vàng, Huỳnh Đức cũng rời TPHCM ra Đà Nẵng và có thể Minh Phương sẽ tạo nên sự trùng hợp thú vị tại Quả bóng vàng 2010?!
THÚY OANH